Bài cuối: Hà Nội siết công tác quản lý phòng cháy chữa cháy

Trước tình trạng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy tại chung cư tại Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác PCCC tại các chung cư Hà Nội trong thời gian qua?


Theo thống kê, năm 2017 và quý I/2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ. Trong đó, quý I/2018 xảy ra 280 vụ. Địa bàn cháy tập trung ở các quận nội thành và ở các doanh nghiệp tư nhân, nhà dân. Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản chỉ chiếm 2-3%, nhưng thiệt hại chiếm đến 90%. Nguyên nhân các vụ cháy được Sở Cảnh sát PCCC đưa ra là khoảng 65% do chập điện. Riêng cháy nhà cao tầng tại Hà Nội xảy ra 87 vụ. Những vụ cháy nêu trên đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng. 


Tính đến ngày 3/4, địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại 29 công trình vi phạm, trong đó 15 công trình khó có khả năng khắc phục. Do hanh khô nên tình hình cháy, nổ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định. Bên cạnh đó, khu chung cư cao tầng tập trung đông người nên dễ xảy ra nguy cơ cháy nếu không làm tốt công tác PCCC.



Từ năm 2016-2017, Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã rà soát kiểm tra toàn bộ các công trình nhà cao tầng. Hà Nội hiện có trên 1.100 công trình, tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó có hơn 120 công trình nhà tái định cư. Đối với các công trình mới, đang thi công, nếu vi phạm nghiêm trọng về PCCC, Sở sẽ đề xuất, phối hợp với các quận huyện kiên quyết không cho thi công. Với các công trình có vi phạm nhưng đã có người ở, thì một mặt xử lý kiên quyết, mặt khác yêu cầu chủ đầu tư phải tăng cường nhân lực trong thời điểm chưa khắc phục được các tồn tại về PCCC theo quy định.


Theo ông, tại các nhà chung cư cao tầng, khu vực nào thường xảy ra cháy?


Đối với các nhà chung cư, nguy cơ lớn nhất tập trung ở khu vực tầng hầm do là nơi tập trung nhiều vật liệu, trang thiết bị dễ gây cháy. Bên cạnh đó, phương tiện xe máy, ô tô để tại tầng hầm cũng là những nguồn dễ gây cháy và cháy lan nhanh.

Bình chữa cháy tại một khu chung cư để tại góc tường, nhiều bình đã hỏng.

Khi cháy ở tầng hầm sẽ sinh nhiều khói bốc lên trên và dễ gây ngạt khó cho cư dân chung cư. Tiếp theo, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao là ở trục thông tầng (hộp kỹ thuật, thu gom rác). Điểm đáng chú ý, trong 87 vụ cháy ở các chung cư thì có tới 57 vụ tại khu vực thu gom rác.


Tiếp đến là khu tầng dịch vụ giải trí, kinh doanh, mát xa do sử dụng điện quá mức, không cẩn thẩn… Cuối cùng là cháy từ căn hộ chủ yếu từ chập điện điều hòa, nóng lạnh, đèn quạt….; thậm chí gần đây ghi nhận cả sạc pin cũng dẫn đến cháy. Hoặc do người dân bất cẩn trong đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã, trẻ em nghịch lửa….


Trong thời gian tới, Sở Cảnh sát PCCC và các đơn vị hữu quan sẽ thực hiện các giải pháp nào để hạn chế nguy cơ cháy nổ tại các nhà cao tầng?


Trước mắt, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đang tập trung tổ chức kiểm tra, giải quyết những tồn đọng, yếu kém của những tòa nhà cao tầng đã được công khai trước cơ quan báo chí. Tại cuộc họp Thành ủy mới đây, con số mới nhất là 29 công trình chung cư còn tồn tại vi phạm, quy định. Đối với 3 công trình chây ì, không thực hiện khắc phục gồm: Chung cư CT4 Văn Khê (tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê) của Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội thụ lý.


Đây là những công trình chung cư tồn tại về hệ thống PCCC kéo dài và đã xử lý vi phạm hành chính nhưng không chuyển biến. Do đó, thành phố Hà Nội thấy cần xử lý nghiêm hơn khi thấy trước hậu quả nghiêm trọng, gây hoang mang lo lắng, ảnh hưởng người dân khi không hoàn thiện hệ thống PCCC theo quy định thì xem xét xử lý hình sự.


Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, có văn bản gửi cho chủ đầu tư 15 công trình khó có khả năng khắc phục tồn tại để báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng xin giải pháp, biện pháp bổ sung thay thế cho từng công trình.


Bên cạnh đó, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội và các quận huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy của người dân sống tại chung cư theo phương châm 4 tại chỗ. Thực tế, trong 87 vụ cháy từ năm 2017 đến nay đa phần là các vụ cháy được phát hiện sớm và chủ động dập tắt ngay từ đầu nên không để lại hậu quả nghiêm trọng.


Trước tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy tại các khu chung cư, để bảo vệ tính mạng của người dân, toàn hệ thống chính quyền thành phố Hà Nội cũng đang có nhiều biện pháp mạnh nhằm siết chặt công tác quản lý về mặt nhà nước cũng như xử lý triệt để vi phạm trong công tác PCCC.


Xin trân trọng cảm ơn ông!


XC/Báo Tin tức
Bài 2: Vẫn còn nhiều người dân chung cư 'điếc không sợ súng'
Bài 2: Vẫn còn nhiều người dân chung cư 'điếc không sợ súng'

Khảo sát tại các chung cư tại Hà Nội cho thấy, phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy là do sự chủ quan trong việc phòng cháy chữa cháy (PCCC)của người dân. Cùng với đó là việc chủ đầu tư tại các chung cư thường cắt bớt các khoản đầu tư cho hệ thống PCCC để giảm chi phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN