Bên cạnh các yếu tố về thiết bị, kỹ thuật, đội ngũ an toàn, vệ sinh viên đã được nhiều đơn vị coi là lực lượng nòng cốt, ngăn ngừa sự cố tại các dây chuyền sản xuất.
Đội ngũ quan trọng cần có trong doanh nghiệp
Theo thống kê, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra hơn 8.000 vụ tai nạn lao động, (riêng trong năm 2020 là 8.380 vụ, làm 8.610 người bị nạn với hơn 960 người tử vong). Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó lỗi chủ yếu thuộc về người sử dụng lao động, tiếp đến là lỗi của người lao động, số còn lại do các nguyên nhân khách quan khác. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường còn gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Thực tế đó cho thấy, đội ngũ an toàn, vệ sinh viên có vai trò rất quan trọng trong lao động sản xuất. Theo quy định của pháp luật, an toàn vệ sinh viên chính là người lao động làm việc trực tiếp tại tổ sản xuất trong một cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh. Họ có kinh nghiệm về chuyên môn kỹ thuật, am hiểu và gương mẫu chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động, được người lao động bầu ra với hai nhiệm vụ chính: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn người lao động chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động và thực hiện việc tự cải thiện các điều kiện làm việc của mình ở nơi làm việc tốt hơn.
Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân cho biết: Đội ngũ an toàn, vệ sinh viên có vai trò rất quan trọng tại doanh nghiệp, họ không chỉ giám sát người lao động mà còn giám sát cả các tổ trưởng và những người làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được điều này và đó là nguyên nhân chính khiến mạng lưới an toàn, vệ sinh viên tại chưa được phát triển đúng với yêu cầu thực tiễn.
Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm ra quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Tuy nhiên có một bất cập là sau khi thành lập, đội ngũ lại hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng, các mạng lưới an toàn, vệ sinh viên chỉ cần thành lập ở những nơi có Công đoàn cơ sở. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, mỗi một tổ sản xuất phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong thời gian làm việc, kể cả những nơi không có tổ chức Công đoàn, họ sẽ hoạt động theo pháp luật và theo quy chế mà người sử dụng lao động ban hành.
"Điều kiện lao động tốt hơn không phải chỉ đảm bảo quyền lợi của người lao động mà điều này có lợi cho cả người sử dụng lao động bởi sự an toàn, sự gắn bó của người lao động góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp", bà Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Tiếp tục xây dựng, củng cố mạng lưới
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện nay có khoảng 190.000 an toàn, vệ sinh viên, chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp lớn, có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Những doanh nghiệp này làm rất tốt công tác bảo hộ lao động, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức của người lao động về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, sự an toàn khi làm việc.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử Quảng Đông Vũ Hào ở thị trấn Vôi (Bắc Giang) là một doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư từ Trung Quốc, chuyên sản xuất thiết bị điện chiếu sáng. Dây chuyền của doanh nghiệp này là sản xuất liên hoàn, ở từng công đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật. Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàng Văn Ảnh cho biết, để bảo đảm an toàn cho người lao động, doanh nghiệp thành lập đội ngũ an toàn vệ sinh viên từ năm 2018 với 15 thành viên đều là những người có kinh nghiệm, hiểu biết về công tác bảo hộ lao động, gương mẫu trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động.
Hàng ngày, trong quá trình sản xuất, các thành viên đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn công nhân chấp hành nghiêm quy định về an toàn lao động; bảo quản, vận hành thiết bị, máy móc hiệu quả. Đặc biệt là ở các bộ phận dập linh kiện, các thành viên thường xuyên giám sát, yêu cầu người lao động tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn, mang bảo hộ đầy đủ. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tồn tại, thiếu sót trong quy trình an toàn vệ sinh lao động. Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ an toàn, vệ sinh viên, mỗi quý, công ty đều tổ chức các buổi đào tạo an toàn kỹ thuật trong sản xuất, vận hành máy móc...
Phó trưởng Ban uan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân cho biết, dù đội ngũ an toàn, vệ sinh viên có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên đến nay, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Số lượng doanh nghiệp chủ động xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên chỉ chiếm khoảng 15-20%, còn lại đến 80% các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp làm dịch vụ hoặc là có ít lao động, vẫn chưa quan tâm đến việc này.
Từ thực tế đó, Tháng Hành động về vệ sinh an toàn lao động năm 2021 được phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” trên phạm vi toàn quốc nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.
Vì vậy, không chỉ trong Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động mà hằng năm, các cấp Công đoàn đều phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về an toàn vệ sinh lao động cho an toàn vệ sinh viên theo quy định.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người lao động.
Trong Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2020, các cấp Công đoàn đã chủ động, phối hợp tổ chức 3.755 lớp tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động và kỹ năng phương pháp hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên cho 163.212 cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, để đẩy lùi tai nạn lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cần thiết phải phát triển cả về số lượng và chất lượng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở trong doanh nghiệp. Theo Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp chưa có an toàn, vệ sinh viên phải thành lập đội ngũ này ngay để điều kiện làm việc tại nơi đó được tốt hơn. Đồng thời phải có cơ chế xử phạt các doanh nghiệp thì họ mới nghiêm túc thực hiện việc này.
Nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, để thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, cần quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, quyền lợi của đội ngũ này. Tổ chức Công đoàn bộ phận phải chủ động cùng quản đốc đơn vị thường xuyên tổ chức cho mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sinh hoạt hoặc hội ý để kiểm điểm nhiệm vụ, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp hoạt động; học tập tiếp thu các văn bản pháp luật, chế độ chính sách mới về bảo hộ lao động, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình mới ban hành; phổ biến các nguy cơ, các sự cố, các vụ tai nạn trong lao động để rút kinh nghiệm, cũng như đề ra các biện pháp phòng ngừa khắc phục sự cố hoặc tình trạng mất an toàn, vệ sinh lao động.