An Giang: Khoảng 64.000 lao động tự do gặp khó khăn được hỗ trợ

Ngày 16/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết đã ký Quyết định 1856/QĐ-UBND về việc hỗ trợ người lao động tự do (người lao động không có hợp đồng lao động), gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Dự kiến, có khoảng 64.000 lao động tự do trên toàn tỉnh được hỗ trợ. 

Chú thích ảnh
Chợ Châu Đốc (An Giang). Ảnh minh họa: Thanh Sang/TTXVN

Theo đó, người lao động tự do thuộc 4 nhóm đối tượng: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách, xe lôi chở khách và lao động tự làm hoặc làm thuê trong các cơ sở ăn uống, giải khát, lưu trú; cắt tóc, uốn tóc, làm móng; thợ hồ, phụ hồ... sẽ được xét hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần theo lộ trình 10 ngày làm việc.

Cụ thể, sau khi người lao động tự do đăng ký đề nghị hỗ trợ, trong 3 ngày làm việc, UBND cấp xã rà soát, lập danh sách đủ kiện hưởng hỗ trợ và công khai danh sách hỗ trợ tại UBND cấp xã trong 2 ngày làm việc trước khi gửi về UBND cấp huyện.

Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt danh sách chi hỗ trợ người lao động đủ điều kiện; đồng thời, gửi danh sách đã phê duyệt về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Trong 2 ngày làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài chính thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ. Sau đó, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chi hỗ trợ cho người lao động trong 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phân bổ kinh phí.

Tỉnh An Giang ưu tiên giải ngân hỗ trợ cho gần 14.000 người bán vé số lưu động tại 11 huyện, thị, thành với tổng số tiền gần 21 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết An Giang. Đối với nhóm lao động tự do còn lại, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai rà soát đối tượng, lập danh sách, phê duyệt và thực hiện chi trả, dự kiến là 78 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ 151 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch COVID-19 của 2 doanh nghiệp, với kinh phí hỗ trợ gần 577 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang đã thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 12 tháng cho 1.493 doanh nghiệp với hơn 64.300 lao động, số tiền trên 18 tỷ đồng.

An Giang cũng đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 5 doanh nghiệp với số lao động là 235 người, số tiền hỗ trợ là 1,4 tỷ đồng.

Thanh Sang
An Giang chuẩn bị kịch bản cho 3.000 ca mắc COVID-19
An Giang chuẩn bị kịch bản cho 3.000 ca mắc COVID-19

Tại cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn do UBND tỉnh An Giang tổ chức ngày 9/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước lưu ý, dịch bệnh phức tạp. An Giang cần chuẩn bị kịch bản cho 3.000 ca mắc và các huyện cần chuẩn bị cơ sở thu dung, điều trị tối thiểu 100 giường cho tình huống xấu có thể xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN