An Giang, Hậu Giang tăng tần suất rà soát để sàng lọc diện rộng, dập dịch dứt điểm

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Hậu Giang, chiều 8/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương mạnh dạn, kết hợp xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp để tăng tần suất rà soát để sàng lọc diện rộng, dập dịch dứt điểm trước khi kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

An Giang khoanh gọn các ổ dịch

 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh An Giang yêu cầu tỉnh An Giang cần đảm bảo lượng oxi phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại tỉnh An Giang vào chiều 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, từ ngày 15/4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 484 ca mắc COVID-19 tại 11/11 huyện, thành phố, thị xã. Đáng chú ý, 85% ca mắc có yếu tố lây nhiễm liên quan đến các lái xe đường dài từ các địa phương khác vào An Giang thu gom nông sản, khiến mức độ lây nhiễm trong cộng đồng rất phức tạp.

"Các lực lượng lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả lái xe nhưng vẫn cho lái xe tiếp tục lưu thông. Nếu có kết quả dương tính, các lực lượng sẽ gọi điện cho lái xe dừng lại để lực lượng y tế thực hiện cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Do đó, hoạt động lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh không bị ách tắc", ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Với mục tiêu không để sót, lọt F0, F1 ngoài cộng đồng, tùy quy mô ổ dịch, An Giang lập đội truy vết các cấp (tỉnh, huyện, xã) với lực lượng công an làm nòng cốt, cùng với y tế, Đoàn Thanh niên khẩn trương triển khai, truy vết sớm. An Giang cũng vận động người dân ký cam kết sẽ thông tin ngay với tổ dân phố, chính quyền cơ sở khi có người từ nơi khác đến.

Năng lực xét nghiệm RT-PCR của An Giang đạt 1.200 mẫu đơn/ngày, trong thời gian tới có thể nâng lên trên 3.000 mẫu đơn/ngày. An Giang có 14 cơ sở điều trị F0, gồm 4 bệnh viện tuyến tỉnh (tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng, rất nặng khoảng 90 giường); 10 trung tâm y tế tuyến huyện (khoảng 350 giường điều trị bệnh nhân nhẹ, trung bình; đang mở rộng thêm 700 giường); với 120 bác sĩ, 500 điều dưỡng. An Giang kiến nghị Bộ Y tế sớm hỗ trợ thêm các trang thiết bị điều trị, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR, đồ phòng hộ…

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cho biết, hiện các bộ, ngành có rất nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch; tuy nhiên có những điểm chưa thống nhất, thậm chí chồng chéo khiến địa phương lúng túng trong việc triển khai thực tế. "An Giang đề nghị, khi ban hành văn bản liên quan đến phòng, chống dịch, các bộ, ngành phải tuân thủ đúng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19", Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang kiến nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, An Giang có nguy cao dịch bệnh xâm nhập, từ cả trong nước lẫn biên giới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các lực lượng đã làm nghiêm túc, với nhiều sáng tạo. Một số văn bản, hướng dẫn của Trung ương chưa rõ, chưa phù hợp với thực tiễn, tập thể lãnh đạo địa phương đã thảo luận, thống nhất thực hiện hiệu quả.

"Lực lượng chống dịch tuyến đầu và toàn thể người dân An Giang tiếp tục làm tốt hơn nữa, phấn đấu hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16 sẽ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, khoanh gọn các ổ dịch, cùng với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long hình thành "vùng xanh" an toàn", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo tỉnh An Giang kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị, sau khi kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội, An Giang vẫn phải có những điều chỉnh kịp thời, luôn chủ động, linh hoạt trước diễn biến tình hình dịch để đảm bảo đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân an toàn trong trạng thái bình thường mới.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh 

Chiều tối cùng ngày, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho biết, sau ghi khi nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 8/7, đến nay, Hậu Giang ghi nhận tổng số 317 ca mắc COVID-19. 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN.

Hiện tỉnh đã thiết lập 1 Trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị F0 tại Bệnh viện Phổi tỉnh Hậu Giang, có khả năng thu dung điều trị cho 60 ca bệnh nặng; Bệnh viện dã chiến Vị Thủy, quy mô 240 giường; Bệnh viện dã chiến Châu Thành A, quy mô 250 giường. Đến nay, các cơ sở này đều đã có trang bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi công năng một số Trung tâm y tế tuyến huyện thành Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 và trưng dụng các bệnh viện tư nhân để thành lập bệnh viện điều trị COVID-19, nâng tổng số giường điều trị COVID-19 lên 2.350 giường. Năng lực xét nghiệm toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 30.000 mẫu gộp/ngày). 

Trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh xuất hiện trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nhân lực điều trị của tỉnh còn hạn chế, thiếu nhân lực điều trị hồi sức tích cực cũng như đội ngũ y tế khi triển khai thành lập bệnh viện dã chiến. Trong khi đó, người về từ các địa phương có dịch rất đông, khó kiểm soát và quản lý; vẫn còn một số người dân thiếu ý thức chấp hành việc giãn cách xã hội…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hậu Giang; tinh thần đoàn kết, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Hậu Giang chuẩn bị tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả điều trị, tỉnh cần sắp xếp lại tầng điều trị F0 đầu tiên (F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ) thành 2 khu riêng biệt. Khu F0 không triệu chứng phải chăm lo đầy đủ cho bà con về thể chất và tinh thần, cấp các loại thuốc, phương thuốc đông y, kết hợp tây y để nâng cao thể trạng, giảm tối đa tỷ lệ chuyển thành có triệu chứng. Khu điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa, phải trang bị đầy đủ hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao (HFNC), một số loại thuốc điều trị để can thiệp, xử lý sớm, không để cho bệnh nhân chuyển nặng hơn.

Đến nay, các tỉnh phía Nam sông Hậu, trong đó có Hậu Giang đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Trong những ngày còn lại thực hiện giãn cách xã hội, Hậu Giang phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh hơn nữa. Do đó, Phó Thủ tướng nhất trí với kế hoạch, phương án tỉnh đã đề ra, trong đó có sáng kiến phát động từng người dân, khóm, ấp, xã đăng ký và cùng nhau giữ "vùng xanh".

Cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang phải chuẩn bị phương án để người dân, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Từng gia đình, cụm gia đình thực hiện nghiêm thông điệp 5K; các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như chia ca, kíp sản xuất gắn với nơi ở của công nhân; xét nghiệm nhanh kết hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp; thực hiện theo dõi, giám sát y tế hàng ngày tại nhà máy cũng như nơi ở…

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tại Bệnh viện Phổi tỉnh Hậu Giang - nơi đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Trước đó, chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, tỉnh An Giang; Bệnh viện Phổi Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang.

Diệp Trương (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Hậu Giang
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Hậu Giang

Chiều 8/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng đoàn công tác thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Hậu Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN