Tiếp tục giãn cách xã hội tại Hà Nội
Ngày 6/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, toàn thành phố tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6 giờ ngày 23/8/2021.
Cũng trong tuần qua, trước diễn biến dịch COVID-19 tại Hà Nội có nhiều dấu hiệu phức tạp, TP Hà Nội yêu cầu các dự án thi công (trong đó có 8 dự án giao thông cấp bách), phải thực hiện “đóng rào”, công nhân thực hiện “3 tại chỗ”.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu: Chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Theo đó, đối với công trình thi công có khuôn viên độc lập, đơn vị thi công phải có hàng rào khép kín xung quanh công trường để tổ chức giám sát, kiểm soát các hoạt động ra - vào công trường, đáp ứng điều kiện phòng chống dịch bệnh đúng quy định và phải thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”, gồm: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ và không đi ra ngoài công trường khi không có nhiệm vụ.
Các công trình xây dựng theo tuyến phải có biện pháp tổ chức thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến ” và phải được UBND cấp huyện nơi có công trình xây dựng chấp thuận trước khi thực hiện.
Đàm phán thành công thuốc điều trị COVID-19, nhận chuyển giao công nghệ điều chế vaccine
Tuần qua, ngày 2/8, Tập đoàn Vingroup đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép.
Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 22/10/2020
Toàn bộ số thuốc sẽ được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8/2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19
Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 22/10/2020. Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Cũng trong tuần qua, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022.
Bộ Y tế đề nghị hoàn thiện các bước thử nghiệm vaccine Nano Covax sớm
Tuần qua, ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (gọi tắt là Hội đồng Đạo đức) đã tổ chức cuộc họp để nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại và ghi nhận tiến độ triển khai giai đoạn 3a (giai đoạn đầu của giai đoạn 3, hiện chưa có báo cáo kết quả chính thức) với vaccine Nano Covax (của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen).
Theo nội dung cuộc họp, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, vaccine Nano Covax được đánh giá bước đầu về tính an toàn, khả năng dung nạp và thăm dò đáp ứng sinh miễn dịch của vaccine nghiên cứu, chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine. Đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 2 là đánh giá trong ngắn hạn tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine nghiên cứu để xác định liều dùng tối ưu của vaccine trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Để sớm có kết quả về tính sinh miễn dịch, Hội đồng Đạo đức cho phép chỉ thực hiện các xét nghiệm về tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 3a trên 1.000 người tình nguyện. Cho đến ngày 6/8/2021, Hội đồng Đạo đức chưa nhận được hồ sơ, báo cáo chính thức nào từ các nghiên cứu viên chính và Tổ chức nhận thử về hiệu lực bảo vệ của vaccine Nano Covax.
Theo kết quả cuộc họp sáng ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức đã thống nhất nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covax với dữ liệu theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên của giai đoạn 1 trên 60 người tình nguyện với 3 mức liều: 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg. Trên cơ sở cập nhật kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, Hội đồng Đạo đức quyết định tiếp tục cho phép triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 với mức liều 25mcg theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
Bộ Y tế đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng về việc cần thành lập ngay tổ hỗ trợ, phân tích, đánh giá, giám sát số liệu và quy trình của 2 đơn vị tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, và phải có báo cáo trước ngày 14/8/2021.
Phân bổ thêm gần 980.000 liều vaccine cho TP Hồ Chí Minh và gần 700.000 liều cho TP Hà Nội
Việt Nam vừa tiếp nhận thêm 1.074.380 liều vaccine AstraZeneca (AZ), trong đó 659.500 liều mua từ AZ thông qua VNVC được phân bổ cho TP. HCM và 414.880 liều do Chính phủ Vương quốc Anh & Bắc Ai-len viện trợ được phân bổ cho TP Hà Nội.
Trong ngày 3/8, Bộ Y tế đã điều chỉnh Quyết định 3600/BYT-QĐ về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 16 để phân bổ thêm cho TP Hồ Chí Minh (tăng 319.000 liều) và TP Hà Nội (tăng 284.000 liều).
Như vậy, trong 3 đợt phân bổ vắc xin gần nhất (đợt 16, 17, 18), TP Hồ Chí Minh được cấp 1.148.500 liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. Ngoài ra, các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn.
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%. Tiếp theo, TP Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.
TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ chi phí hỏa táng cho người dân mất vì COVID-19
Ngày 7/8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ lo toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì COVID-19.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh sẽ lo tất cả chi phí tẩm liệm, vận chuyển, hỏa thiêu và giao tro cốt cho thân nhân của người mất. Mức hỗ trợ là 17 triệu đồng mỗi trường hợp và số tiền này trích từ ngân sách thành phố.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đối với người mất vì COVID-19 tại các bệnh viện, Thành phố sẽ phân bổ ngân sách về cho Sở Y tế để Sở chuyển cho các bệnh viện lo hậu sự. Đối với người không may qua đời tại nhà thì ngân sách sẽ phân bổ về các quận, huyện và quận, huyện phân bổ về phường, xã để lo cho người dân.
Đối với công tác hỏa táng người mất tại TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh hiện có 4 nơi thực hiện là Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), Đa Phước (quận Bình Chánh), Phúc An Viên (Quận 9) và Tháp Long Thọ (huyện Củ Chi). Thành phố đã làm việc với các đơn vị này đề nghị họ nhận các trường hợp đưa đến hỏa táng, không từ chối bất kỳ trường hợp nào. Đặc biệt không tăng giá làm ảnh hưởng đến người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Đối với chi phí hỏa táng, TP Hồ Chí Minh đã quy định theo giá nhà nước và không tăng giá từ đầu mùa dịch. Cụ thể, tại Công ty Môi trường đô thị, giá quy định là 4,2 triệu đồng; tại một số đơn vị khác giá khoảng 4,5-5 triệu đồng. Các chi phí vài chục triệu đồng như vừa qua một số người dân phản ánh là những dịch vụ kèm theo của các cơ sở mai táng khi lo tang lễ cho người mất.
Bộ Y tế hướng dẫn mức hỗ trợ chống dịch COVID-19 cho cán bộ y tế, tình nguyện viên
Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch COVID-19.
Theo đó, các mức phụ cấp chế độ với người tham gia chống dịch COVID-19 được quy định cụ thể:
Với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, bộ, ngành và địa phương quản lý được cử đi, huy động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cánh ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.
Với đối tượng là học viên, sinh viên và học sinh các cơ sở đào tạo trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe và đối tượng là người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia được cử đi hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021;
Được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP.
Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt .
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ tất cả các đối tượng trên được thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 làm điều kiện huy động đi chống dịch, ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo theo phân cấp.
Ngoài ra, tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng nêu rõ, trường hợp người tham gia phòng, chống dịch thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức phụ cấp chống dịch quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP và Nghị quyết số 58/NQ-CP thì được hưởng một mức phụ cấp chống dịch cao nhất.
Về số ngày hưởng phụ cấp sẽ tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết (không bao gồm thời gian đi đường).
Cũng tại công văn này, Bộ Y tế hướng dẫn mức hưởng công tác phí khi tham gia chống dịch COVID-19, cụ thể:
Các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, bộ, ngành và địa phương quản lý được hưởng chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính.
Trường hợp địa phương bố trí chỗ ở thì cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi không phải chi trả kinh phí.
Thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác (bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường).
Với đối tượng tình nguyện viên là học viên, sinh viên và học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đi lại (đưa, đón) do cơ quan có thẩm quyền quyết định huy động tổ chức chuyến đi tập trung.
Kết thúc, hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về: Người tham gia công tác phòng, chống dịch phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung.
Nếu trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt (và chi phí khác) theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố.
Riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 được ngân sách nhà nước chi trả.
Nếu cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung thì được ngân sách nhà nước bảo đảm các chi phí theo quy định.