Ấm lòng người lao động đón Tết xa nhà

Những ngày giáp Tết Nhân Dần 2022 không khí rộn ràng, sôi động trên khắp các con đường, góc phố như đang thôi thúc những người lao động nỗ lực hoàn thành trọn vẹn công việc của năm để sớm đoàn viên, sum họp bên gia đình trong năm mới. Song, vẫn có nhiều công nhân, người lao động vì công việc hay vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên phải đón Tết xa quê, nhất là khi vừa trải qua cơn đại dịch với nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho công nhân lao động ngoài tỉnh ở lại thành phố đón xuân Nhâm Dần 2022.

Tết xa quê

Dịch COVID-19 khiến nhiều nhà trọ ở khu vực Linh Trung (thành phố Thủ Đức) vắng bóng người. Năm hết Tết đến, nhiều gia đình lại rục rịch đóng gói, chuẩn bị hành trang về quê, xóm trọ càng thêm vắng vẻ.

Chị Nguyễn Ngọc Hạnh, quê ở Quảng Nam, đã trọ ở đây hơn 4 năm cho biết, Tết là dịp để các gia đình sum vầy, đoàn viên sau một năm làm lụng vất vả. Đây cũng là dịp để nghỉ ngơi, thăm người thân, động viên chúc mừng năm mới… Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình chị đành gác lại việc về quê trong dịp Tết Nhâm Dần. Nhìn mọi người mua sắm Tết hay thu dọn hành lý về nhà, chị cũng thấy chạnh lòng và mong sớm có công việc ổn định.

Đồng hương và cùng làm chung nhà máy ở Khu chế xuất Linh Trung, chị Lê Thị Vải nhẩm tính cả gia đình 3 người đi lại về quê cùng với quà cáp biếu ông bà, họ hàng hai bên lên đến cả chục triệu đồng. Chị Vải cho biết, chừng ấy tiền gần bằng 2 tháng lương của hai vợ chồng, trong khi cả năm qua gần như thất nghiệp, do nhà máy đóng cửa vì dịch bệnh. Vừa lo phòng, chống dịch, vừa không có việc làm, nên số tiền hỗ trợ và tiền dành dụm được đã trang trải trong những ngày dịch bùng phát… “Ở lại đây đón Tết có buồn nhưng vẫn hơn. Số tiền ấy để dành gửi về mừng tuổi ông bà; hơn nữa là cũng để tránh dịch bệnh phức tạp”, chị Vải chia sẻ.

Tương tự, ở khu nhà trọ quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, nhiều công nhân cũng lo lắng về diễn tiến của dịch bệnh; việc phòng, chống dịch ở một số địa phương khác nhau… Vì thế mà anh Nguyễn Thái Ngọc, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Wooyang Vina, Quận 12, quyết định không về sum hợp với gia đình dịp Tết này. Anh Ngọc cho biết, do mới có em bé nên việc đi lại hay di chuyển đường dài không tiện.

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng đời sống công nhân, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã vận động và tạo nhiều điều kiện cho công nhân ở lại thành phố đón Tết. Các cấp Công đoàn thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ công nhân, người lao động ở lại thành phố đón Tết như: chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an”, “Phiên chợ công nhân – online”, “Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình”, “Chuyến xe mùa Xuân”, “Gia đình công nhân

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng nhìn nhận, việc công nhân ở lại thành phố dịp Tết này vừa an toàn, thuận lợi, tiết kiệm cho cả người lao động và doanh nghiệp. Công ty Đại Dũng đã dành nhiều suất quà, tiền hỗ trợ, đến thăm và tặng quà, tổ chức tiệc tất niên cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho người lao động ở lại. Ngoài ra, Công ty sẽ đến tận khu lưu trú, nhà trọ để thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà, động viên công nhân, người lao động tích cực trong lao động sản xuất trước thềm năm mới xuân Nhâm Dần 2022.

Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, do thu nhập giảm, cùng với lo ngại dịch bệnh, các quy định khác nhau ở địa phương nên rất nhiều lao động ngoại tỉnh ở lại thành phố đón Tết. Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 420.000 công nhân chọn giải pháp ở lại đón Tết, tăng 30% so với mọi năm. Trong đó, Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố có hơn 98.000/270.000 người lao động không về quê, Quận 12 có hơn 35.000 người, quận Bình Tân có hơn 55.000 người…

Đón Xuân nồng ấm

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố TP. Hồ Chí Minh tặng quà cho con công nhân lao động ngoài tỉnh ở lại thành phố đón xuân Nhâm Dần 2022. 

Sau một năm đại dịch với nhiều khó khăn, các cấp ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động chia sẻ, hỗ trợ người lao động cả về tinh thần lẫn vật chất. Các cấp Công đoàn đã dành nhiều phần quà Tết, tổ chức liên hoan, họp mặt giao lưu văn hóa văn nghệ, tham quan, vui chơi, giải trí tạo không khí Tết cổ truyền sum vầy, vui tươi, ấm áp cho người xa quê.

Gắn bó với nhiều người lao động ngoại tỉnh có thu nhập thấp, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ông Nguyễn Thành Tâm, chủ dãy nhà trọ 152 phòng ngụ tại 2/17 TL16, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh luôn ổn định giá cho thuê từ 1 - 1,7 triệu đồng/tháng trong nhiều năm qua. Đặc biệt, Tết này dù nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, ông Tâm vẫn tiếp tục duy trì việc tặng quà Tết như: lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và tổ chức buổi tiệc cuối năm cho công nhân ở trọ, những người “hàng xóm đặc biệt” vui xuân.

Ông Tâm chia sẻ: Trước đây tôi cũng là công nhân, nên phần nào hiểu được những lo âu trong cuộc sống của người lao động, nhất là những trường hợp xa quê mưu sinh, lập nghiệp. Chia sẻ khó khăn với người lao động là điều cần thiết. Mỗi người thiếu một chút, giảm một ít, dù chưa thật sự trọn vẹn đủ đầy nhưng “cả nhà” cùng vui, tình cảm mới đong đầy và gắn bó lâu dài với nhau.

Những ngày cận Tết, bà Mai Thị Thanh Hương, chủ khu nhà trọ số 1 (phường Tân Quy, quận 7) cũng tất bật với việc chuẩn bị quà Tết cho công nhân ở trọ, nhất là người ở lại. Mỗi phần quà gồm các loại bánh mứt, nhu yếu phẩm cùng bữa cơm thân tình cuối năm như gói trọn cả tấm lòng của bà dành cho người lao động. Trải qua những biến cố, thăng trầm, bà Hương, cùng những người ở trọ trở thành những người hàng xóm, láng giềng thân thiết nhất. Theo bà Hương, điều hạnh phúc nhất chính là sức khỏe, là hạnh phúc gia đình; mọi người được an bình, cuộc sống đủ đầy, sung túc... 

Chị Võ Thị Bền, đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm công nghệ quận Bình Tân quyết định tranh thủ chạy về quê nhà ở Bến Tre mua sắm cho cha mẹ, con cái ít đồ Tết rồi quay lại để vui Tết xa nhà cùng các công nhân ở khu trọ. Chị Bền cho biết, ở lâu ngày cũng thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; do hoàn cảnh khó khăn nên chị tranh thủ chạy thêm ba ngày Tết để phòng những lúc đau ốm hay dịch bệnh.

Đoàn kết, yêu thương, sẻ chia, gắn bó với nhau nhiều hơn sau đại dịch COVID-19 là tâm trạng chung của hầu hết những người xa quê cũng như chủ nhà trọ. Nhiều người trong đó đã mở rộng vòng tay xem nhau như con cháu trong nhà, những gia đình nhỏ trong một đại gia đình lớn…

Những ngày cuối năm Tân Sửu chuẩn bị khép lại, người người tất bật cho những phần việc cuối cùng để kết thúc một năm đầy khó khăn. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nhiều công nhân ở các khu trọ, nhà lưu trú ở Thành phố vẫn vui vẻ cùng nhau thu dọn, sửa soạn, trang trí khu trọ. Trên tinh thần tiết kiệm bởi vừa trải qua đại dịch COVID-19, mỗi người lao động đang cố gắng làm hết sức mình để đón Tết Nhâm Dần 2022 thật vui tươi, đầm ấm; sang năm mới nỗ lực làm việc để thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng, xây dựng gia đình hạnh phúc, thành phố phát triển, đất nước phồn vinh...

Bài và ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
'Chuyến xe yêu thương' đưa bệnh nhân về quê đón Tết
'Chuyến xe yêu thương' đưa bệnh nhân về quê đón Tết

Ngày 29/1 (từ ngày 27 Tết), Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” nhằm giúp đỡ các bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đơn vị về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN