“Bệnh glôcôm (còn gọi là thiên đầu thống) có thể dẫn đến mất thị lực không thể cứu chữa được hoặc gây mù vĩnh viễn. Nhưng qua điều tra cho thấy, 53% số bệnh nhân không hiểu biết gì hoặc biết lơ mơ về bệnh của mình.
Đặc biệt, có khoảng 95% người dân được hỏi nói rằng không nghe, không biết hoặc biết rất mơ hồ về bệnh glôcôm...”, TS. Đào Thị Lâm Hường, Trưởng khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết tại lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới từ 6 - 12/3, do Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức ngày 10/3, tại Hà Nội.
Theo TS Hường, do thiếu hiểu biết về bệnh glôcôm nên rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, nguy cơ mù lòa cao. Khoảng 31,7 - 33,1% bệnh nhân mắc bệnh glôcôm là do tự ý tra thuốc nhỏ mắt corticoid kéo dài (số người ở độ tuổi lao động từ 25 - 59 tuổi chiếm 63,1%). Nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc nên nguy cơ tái phát rất cao. Qua theo dõi bệnh nhân glôcôm góc mở điều trị tại khoa, có tới 43% bệnh nhân có bệnh tiến triển nặng thêm.
Bên cạnh đó, vấn đề khám chữa bệnh glôcôm vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở chuyên khoa mắt tuyến tỉnh hầu như chưa được trang bị phương tiện cơ bản phục vụ chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân glôcôm, không có đủ các loại thuốc glôcôm cho thầy thuốc lựa chọn.
Nhiều bác sỹ còn chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh glôcôm dẫn đến những chỉ định điều trị sai lầm, có những trường hợp nên điều trị thuốc, không nên phẫu thuật thì bác sĩ lại chỉ định phẫu thuật hoặc có trường hợp cần phẫu thuật sớm thì lại giữ lại điều trị thuốc tại cơ sở mà không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên...
Phương Liên