Ngày 12/4, tại Hà Nội, Cục Phát Thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”.
GS.TS Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa hoạc Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXHNV) cho rằng: “Mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho “công dân toàn cầu” tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận (hate speech) đối với cá nhân và tỏ chức. Tình trạng ngày càng ngày càng nghiêm trọng và đang tạo nên một thách thức lớn không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu”.
Việt Nam đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 37% dân số với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút. Đây là tỷ lệ cao trên thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội tạo những bất cập cho cá nhân và doanh nghiệp. Phát ngôn gây thù ghét ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề cấp thiết ở Việt Nam. Khảo sát của VPIS trên 1.000 mẫu cho thấy, khoảng 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng: “Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển internet, truyền thông xã hội đang được phát triển tự nhiên, góp phần vào minh bạch xã hội. Song truyền thông xã hội giúp cho thế giới gắn kết hơn hay khắc hoạ chia rẽ khi những phát ngôn được bày tỏ, trình độ tranh luận, văn hoá tranh luận chưa được xây dựng hiệu quả, gây nên những hệ quả khôn lường”.
“Do đó, khái niệm thế nào là nói xấu bất hợp pháp, đang được tranh luận. Từ góp ý của các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân thông qua hội thảo sẽ giúp cơ quan quản lý các cấp tiếp tục hoàn thiện pháp lý, phương pháp tiếp cận để làm việc với công ty công nghệ và trang mạng xã hội hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Youtube…. để hạn chế những thông tin độc hại. Qua đó, cũng để thế giới hiểu không phải Việt Nam hạn chế thông tin mà quan trọng, các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm với thông tin được cung cấp hệ thống của họ”, ông Lâm cho biết.
Bà Huỳnh Xuân Liên, Phó Tổng giám đốc phụ trách Marketing của Công ty Suntory Pepsi Co Việt Nam cho biết: “Ở góc độ doanh nghiệp, nhãn hàng giải khát trong năm qua bị tác động bởi những thông tin xấu, thông tin bịa đặt. Những thông tin này xuất hiện ngày càng nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường và các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát. Do đó, ở góc độ doanh nghiệp đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước có chương trình truyền thông giáo dục định hướng về việc chia sẻ thông trên mạng xã hội. Về luật pháp có quy định bảo vệ thông tin cá nhân, doanh nghiệp”.
Hiện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã cấp phép cho 258 trang mạng xã hội. Nhìn chung các trang mạng xã hội trong nước chấp hành nghiêm túc các quy định Nhà nước. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện này là quản lý đối với các trang mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube…
Các mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam là Facebook, Twitter, Youtube cho rằng họ là những nhà cung cấp nền tảng dịch vụ và không chịu trách nhiệm về những phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội. Mặc dù các trang mạng xã hội đều cài đặt chức năng “thông báo vi phạm” cho phép người dùng báo cáo nội dung sai sự thật, kích động hận thù nhưng trên thực tế việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.
Theo đại diện Cục Phát thanh Truyền hinh và Thông tin điện tử, trước thực tế của sự phát triển mạng xã hội như hiện nay, đã đến lúc buộc các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc hạn chế những thông tin độc hại để xây dựng môi trường mạng an toàn.
“Cùng với quy định xử phạt thì giáo dục là giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực của trang mạng xã hội. Nhà trường triển khai chương trình giáo dục khi sử dụng mạng xã hội”, ông Phạm Quang Minh cho biết.
Bên cạnh đó, Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội đề xuất đưa ra bộ quy tắc ứng xử đối với mạng xã hội tại Việt Nam bên cạnh công việc tăng cường thực thi quản lý Nhà nước để giảm thiểu và ngăn chặn vấn đề này và hướng tới môi trường mạng xã hội an toàn.