Qua điều tra, nhóm người này di chuyển bằng ô tô vào TP Hồ Chí Minh và bị phát hiện, chuyển cách ly tập trung vào ngày 30/7/2020. Kết quả xét nghiệm với nhóm 8 người này 3 lần đều âm tính. Tuy nhiên, ngày 12/8 lấy mẫu xét nghiệm lần 4, phát hiện 1 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2; 7 trường hợp còn lại âm tính.
Theo đó, bệnh nhân 912 được chuyển cách ly điều trị, các trường hợp còn lại tiếp tục được cách ly tại khu cách ly tập trung của Thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, cho biết đây là trường hợp mắc COVID-19 ở nhóm người nhập cảnh trái phép đầu tiên được phát hiện tại thành phố. Vấn đề được đặt ra, nếu trường hợp này không được phát hiện và tiếp tục lẩn trốn trong cộng đồng sẽ tạo ra những ổ dịch không rõ nguồn lây. Khi đó, công tác phòng chống dịch sẽ khó khăn hơn rất nhiều do TP Hồ Chí Minh có dân số lớn và là đầu mối giao thương của cả nước. “Nếu chúng ta không thể phát hiện hết các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc để lọt các trường hợp này sẽ để lại hậu quả nặng nề”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhấn mạnh.
Theo thống kê từ tháng 5/2020 đến nay, Thành phố đã phát hiện 152 trường hợp nhập cảnh trái phép, trong đó người Trung Quốc chiếm 72%, Camuchia 11%, còn lại là người Việt Nam và Hàn Quốc. Các trường hợp này khi phát hiện đều được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm COVID- 19 theo quy định.
Trước nguy cơ dịch COVID-19 khó kiểm soát, nếu để lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép vào thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đề nghị toàn thể xã hội, cộng đồng và các ngành chức năng cần có biện pháp đấu tranh triệt để nhằm giải quyết vấn đề này. Đồng thời, phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả việc nhập cảnh trái phép vì nếu để bỏ lọt các trường hợp này sẽ để lại hậu quả nặng nề. Cần có chế tài thật nặng đối với nhóm người nhập cảnh trái phép, cần xem xét xử lý hình sự đặc biệt đối với những đối tượng tiếp tay cho nhập cảnh trái phép.