Đến nay, đã có 39 dự án Thiết chế công đoàn (TCCĐ) đang được khẩn trương triển khai khắp cả nước, lan tỏa một tinh thần đoàn kết, thi đua phấn khởi với người lao động, công nhân.
Một quyết sách thấu hiểu công nhân, người lao động
Theo kết quả điều tra của Viện KH và MT năm 2019 cho thấy, trong tổng số 1.880 công nhân được khảo sát, có đến 1.093 công nhân (chiếm 58,1%) cho biết KCN không có nhà ở cho công nhân. Điều này phản ánh thực trạng nhiều người lao động trong KCN chưa được đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Riêng Hà Nội, có 9/17 KCN đã đi vào hoạt động ổn định với hơn 145.000 lao động nhưng mới chỉ có 4 dự án nhà ở cho công nhân thuê với tổng công suất thiết kế 22.420 chỗ ở, trong đó mới hoàn thành được 8.388 chỗ ở. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự báo đến năm 2020, có khoảng 400.000 công nhân làm việc tại 3 KCN tập trung (bình quân mỗi năm tăng 2%), trong đó, số lượng công nhân có nhu cầu về chỗ ở là 70%, tương ứng với 280.000 chỗ ở. Như vậy, thành phố cần phải phát triển thêm khoảng 240.000 chỗ ở (trong đó, DN đầu tư xây dựng khoảng 30.000 chỗ ở và hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng khoảng 210.000 chỗ ở theo hình thức xã hội hóa loại hình nhà trọ, phòng trọ cho thuê)…
Chính vì vậy đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành có một ý nghĩa quan trọng đối với công nhân, người lao động. Việc xác định rõ, đầu tư xây dựng nhà ở, phải đồng bộ với nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các KCN, KCX, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân và để tổ chức công đoàn nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong các mối quan hệ chính trị giữa Đảng, chính quyền và công đoàn có một ý nghĩa rất quan trọng.
Nỗ lực triển khai các dự án TCCĐ trên cả nước
Tuy nhiên, từ chính sách đến việc thực hiện là điều không dễ dàng bởi nhiều nguyên nhân. Cơ chế khuyến khích, thu hút nhà đầu tư nhà chưa đủ hấp dẫn, thủ tục, vốn vay ưu đãi, thuế chưa ưu tiên, trong khi đầu tư nhà ở cho công nhân hiệu quả kinh tế không cao, thu hồi vốn chậm. Về phía người mua nhà, các thủ tục hành chính và vay vốn ưu đãi vẫn chưa thật thông thoáng cho công nhân. Về phía địa phương, nguồn vốn ngân sách ở một số nơi còn hạn hẹp, dẫn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kém, khó thu hút cộng đồng DN tham gia đầu tư dự án. Nhiều địa phương chậm trễ trong việc lựa chọn địa điểm và hoàn thành thủ tục bàn giao đất. Một khó khăn khác là theo quy định, Tổng LĐLĐVN là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, việc huy động nguồn vốn đầu tư cũng còn nhiều thủ tục khắt khe.
Thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đề án cho biết, trên tinh thần khẩn trương nhưng thận trọng, đảm bảo tính hiệu quả của Đề án, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện đầu tư thí điểm dự án TCCĐ tại KCN Đồng Văn và tổng kết, đánh giá, chỉ ra những vướng mắc về cơ chế, chính sách, báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trước khi triển khai trên cả nước. Đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được 39 địa phương bố trí đất để nghiên cứu đầu tư. Trong đó: tỉnh Hà Nam và Quảng Nam đã ban hành quyết định giao đất chính thức cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, 25 địa phương có văn bản chính thức về việc đồng ý chủ trương và giới thiệu địa điểm. 12 địa phương khác đang thực hiện các thủ tục để có văn bản chính thức đồng ý chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm cho Tổng LĐLĐ.
Mới đây, dự án TCCĐ tại tỉnh Tiền Giang có tốc độ triển khai khẩn trương nhất, đã chính thức khởi công gồm nhiều hạng mục công trình: Nhà đa năng quy mô 2 tầng, sức chứa 1.000 chỗ; các công trình sân thể thao ngoài trời; các khối nhà ở chung cư cao tầng với số lượng 998 căn hộ. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trương Văn Hiền cho biết, lễ triển khai dự án là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự quan tâm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến đời sống của công nhân lao động tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An và các khu vực lân cận.
Lan tỏa tinh thần đoàn kết, thi đua tháng Công nhân
Nhà ở là một trong những vấn đề cốt lõi của chiến lược an sinh xã hội ở mỗi quốc gia. Phát triển nhà ở cho công nhân thông qua các dự án TCCĐ đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hiện nay đang được triển khai nhanh chóng. Giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến Tổng LĐLĐ sẽ phối hợp với các địa phương phấn đấu triển khai 50 TCCĐ tại các KCN, KCX. Từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có TCCĐ.
Trăn trở với công tác quản lý và đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, Trưởng Ban quản lý TCCĐ, Kiến trúc sư Trần Văn Khải chia sẻ, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, cần có những giải pháp nhằm khuyến khích huy động được nhiều nhất các nguồn vốn đầu tư của xã hội. Cùng đó là việc thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, thực hiện dự án. Chính phủ có thể xem xét, ban hành riêng một nghị quyết về gói vay tín dụng ưu đãi cho các đối tượng là công nhân vay mua, thuê nhà ở tại TCCĐ; Chấp thuận cơ chế đặc thù và ưu đãi thuê cho các DN trong KCN,KCX đầu tư xây dựng TCCĐ; Chấp thuận cơ chế đặc thù và ưu đãi thuế đối với các DN khác có đủ năng lực tham gia với tổ chức CĐ đầu tư xây dựng TCCĐ. “Giải quyết được vấn đề nhà ở cho người nghèo, cho công nhân lao động là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và hết sức nhân văn. Giai đoạn 2021- 2030 cần có những đột phá về chính sách để tiếp tục phát huy thành quả các dự án đã và đang triển khai”, ông Khải bộc bạch.
Đến thăm dự án tại Hà Nam, chúng tôi ghi lại tâm sự của chị Nguyễn Thị Ánh, công nhân KCN Đồng Văn 2, là một trong những người sẽ được nhận bàn giao căn hộ đợt tới: “Chuẩn bị được nhận nhà nên cả gia đình tôi rất vui. TCCĐ đã mở ra cơ hội cho công nhân chúng tôi có được mái ấm đúng nghĩa với giá mua rất phù hợp với đồng lương công nhân”. Những chuyển tích cực từ một quyết sách quan trọng của đề án “Đầu tư xây xựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX” đã mang lại nhiều hy vọng tốt đẹp cho các đoàn viên công đoàn, người lao động. Đây chính là nền tảng để phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Tổng LĐLĐVN, các cán bộ tâm huyết của Ban quản lý dự án TCCĐ cũng như chính quyền địa phương đối với người lao động, giúp cho tinh thần Tháng Công nhân 2021 ngày càng lan tỏa vào đời sống công nhân cũng như các tầng lớp xã hội.