Theo tờ Business Insider, máy bay không người lái Mohajer-6 của Iran đã được ghi nhận mang lại lợi thế cho Lực lượng vũ trang Sudan trước đối thủ bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) trong cuộc xung đột hoành hành kể từ tháng 4/2023. Máy bay không người lái một động cơ của Iran có khả năng thực hiện các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát cũng như tiến hành các cuộc tấn công không đối đất bằng cách sử dụng bom dẫn đường Qaem nhỏ do Iran sản xuất.
Trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy Tigray vào năm 2021, máy bay không người lái do Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cung cấp cho Ethiopia đã giúp chính phủ Ethiopia giành ưu thế lớn.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai máy bay không người lái Bayraktar TB2 tới Libya cũng đã giúp chính phủ được quốc tế công nhận ở Tripoli tiến hành một cuộc phản công quyết định vào năm 2020 trước lực lượng Quân đội Quốc gia Libya phản bội vốn đã bao vây Tripoli. Có giá khoảng 5 triệu USD/chiếc, máy bay không người lái TB2 trở thành vũ khí mang tính quyết định cho một quốc gia không có nhiều lực lượng không quân và đối phó với một đối thủ thiếu hệ thống phòng không.
Theo ông Remi Dodd - nhà phân tích địa chính trị tại công ty tình báo rủi ro RANE, máy bay không người lái mới mà Iran cấp cho Sudan được kỳ vọng có thể đảo ngược tình thế trong xung đột giống như những gì xảy ra ở Libya và Ethiopia.
"Lực lượng vũ trang Sudan đối mặt với tình thế khó khăn vào cuối năm 2023, nhưng họ đã đạt được một số ưu thế ở thành phố Omdurman vào tháng 2, trùng với thời điểm máy bay không người lái của Tehran được giao cho Sudan. Tuy nhiên, quá trình cung cấp này cũng đang bị chậm trễ do Mỹ nỗ lực ngăn chặn các chuyến hàng công nghệ máy bay không người lái của Iran đến Biển Đỏ vì lo ngại rằng những chuyến hàng này có thể được chuyển cho lực lượng Houthi ở Yemen”, nhà phân tích Dodd nói với Business Insider.
Mức độ phổ biến của máy bay không người lái đã lan rộng đến cả lực lượng quân đội chính thống và các nhóm chiến binh. James Patton Rogers, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Công nghệ Cornell Brooks tại Đại học Cornell, lưu ý ít nhất 113 quốc gia và 65 chủ thể phi quốc gia có quyền truy cập vào nhiều loại máy bay không người lái được trang bị vũ khí.
“Không có gì ngạc nhiên khi những chiếc máy bay không người lái này đang được sử dụng trong các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới. Giống như bất kỳ hệ thống vũ khí nào, tác động của những máy bay không người lái này đến kết quả của một cuộc xung đột tất nhiên sẽ phụ thuộc vào tham vọng chính trị của các bên tham chiến và loại hình chiến tranh đang diễn ra”, chuyên gia Rogers nhận định.
Ông Rogers chỉ ra ví dụ ở Ukraine, máy bay không người lái chỉ là một phần của xung đột. Các bên đều có những phương án vũ khí khác như các hệ thống phòng không và chiến đấu cơ hiện đại. Trong cuộc xung đột này, máy bay không người lái rất hữu ích để đạt được những mục tiêu cụ thể nhưng không thể khẳng định một mình loại vũ khí này có thể mang lại chiến thắng cho một bên.
"Tuy nhiên, ở Ethiopia, Chiến tranh Tigray là một loại xung đột rất khác - một cuộc nội chiến trong đó chỉ một bên có thể sử dụng máy bay không người lái quân sự để ngăn chặn đoàn xe vũ trang của kẻ địch đang tiến về thủ đô để lật đổ chính phủ”, ông Rogers chỉ ra. Trong những năm gần đây, Ethiopia đã mua một số loại máy bay không người lái, bao gồm Mohajer-6 của Iran, TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ và Wing Loong II do Trung Quốc sản xuất. Giống như Mohajer-6, các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc có thể tiến hành trinh sát và tấn công các mục tiêu mặt đất bằng đạn dẫn đường. Những máy bay không người lái này có khả năng gây chết người nếu đối thủ không có đủ lực lượng phòng không.
Lãnh đạo nhóm Tigray Debretsion Gebremichael thừa nhận máy bay không người lái do các nước cung cấp đã buộc họ phải rút lui.
“Như vậy, có thể lập luận rằng trong một số bối cảnh nhất định, máy bay không người lái giúp ấn định kết quả của cuộc xung đột, thậm chí là số phận của các quốc gia”, ông Rogers nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Rogers, ông Dodd cũng ghi nhận việc mua máy bay không người lái của Ethiopia đã xoay chuyển dứt khoát tình thế cuộc chiến với Tigray.
“Máy bay không người lái có thể không phải là ‘cuộc cách mạng’ đối với các quốc gia có lực lượng không quân lâu đời, nhưng đối với những quốc gia bị hạn chế năng lực không quân, máy bay không người lái mang lại khả năng tấn công với khả năng tấn công chính xác đáng tin cậy nhằm vào các mục tiêu ở khoảng cách rất xa”, nhà phân tích Rogers nói thêm các cuộc xung đột ở Libya, Ethiopia và Sudan chỉ là khởi đầu cho "thế giới máy bay không người lái mới".
Mặc dù không thể phủ nhận vai trò to lớn của máy bay không người lái trong các cuộc nội chiến hiện đại ở châu Phi song các nhà phân tích cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ tổn hại dân sự mà loại phương tiện này gây ra.
“Chúng ta chỉ cần xem xét các sự cố liên quan đến những tổn hại dân sự đang diễn ra ở Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo và Burkina Faso, để xem máy bay không người lái có thể bị lạm dụng như thế nào. Điều quan trọng là cần phải có nhiều áp lực hơn từ cộng đồng quốc tế để đảm bảo các quốc gia không sử dụng máy bay không người lái một cách dễ dàng để dập tắt bất đồng chính kiến và áp bức các bộ phận trong xã hội”, ông Rogers kết luận.