Xưởng đóng tàu quân sự tại đây từ cuối thế kỷ 19 đã cho ra đời hơn 100 tàu ngầm chạy bằng năng lượng diesel, điện và hạt nhân. Hiện nay, 6 tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới lớp Suffren trong khuôn khổ chương trình Barracuda đang được đóng nhằm thay thế hạm đội lớp Ruby đang hoạt động.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, xưởng đóng tàu nằm dưới sự quản lý của tập đoàn Naval - đứng đầu châu Âu trong lĩnh vực này - gồm 5.000 người lao động thường xuyên. Khi Chính phủ Pháp tuyên bố các biện pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, hoạt động tại đây giảm xuống mức tối thiểu, chỉ còn 150 lao động tại chỗ và từ 40 đến 900 nhân viên làm việc từ xa.
Phòng nồi hơi hạt nhân trên tàu ngầm, phòng thử nghiệm phần mềm được phân loại là "bí mật phòng thủ". Xưởng đã duy trì một đội ngũ nhân viên tối thiểu để đảm bảo các nhiệm vụ về an toàn, an ninh trên các tàu đang đóng cũng như bảo vệ các công nghệ đặc biệt. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hạ thủy tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Suffren cũng như việc đóng 5 tàu khác trong chương trình Barracuda đã phải tạm ngừng.
Giám đốc xưởng đóng tàu Cherbourg, ông Jean-Luc France cho biết để khởi động lại guồng máy khổng lồ tại xưởng, các hoạt động thực hành quản lý khủng hoảng thường xuyên được tiến hành. Ngoài ra, công việc sẽ được tổ chức lại từng bước để đáp ứng 3 nhu cầu khẩn cấp gồm đảm bảo sức khỏe của người lao động, đảm bảo việc hạ thủy tàu Suffren và khởi động lại sản xuất.
Từ đầu tháng 4, sau khi tổ chức lại các vị trí làm việc nhằm tuân thủ quy định giãn cách xã hội, khung giờ làm việc buổi sáng được sắp xếp để không chồng chéo với buổi chiều. Các phương tiện bảo hộ như dung dịch rửa tay sát khuẩn, khăn lau và khẩu trang được trang bị đầy đủ, xưởng đóng tàu bắt đầu tăng cường hoạt động "từng bước và trong tầm kiểm soát". Từng nhóm nhỏ từ 50 đến 200 nhân viên dần trở lại làm việc và được yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định đảm bảo an toàn.
Giám đốc Jean-Luc France cho biết thêm việc hạ thủy tàu lớp Suffren đầu tiên tiếp tục được thực hiện dưới sự giám sát của Tổng cục Vũ khí. Phương thức làm việc an toàn được áp dụng, bằng cách giảm số nhân viên có mặt trên tàu xuống còn 85 người, thay vì 105 người như ban đầu. Toàn bộ nhân viên này phải cách ly 14 ngày trước khi lên tàu và bắt buộc phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm nhiệm vụ. Tàu ngầm Suffren đã ra khơi vào ngày 28/4 vừa qua, bắt đầu chuyến đi thử nghiệm, muộn hơn một tháng so với kế hoạch. Tuy nhiên, lịch trình của tàu có thể vẫn được hoàn thành đúng dự kiến khi tàu cập cảng quân sự Toulon vào mùa Hè này.
Trong khi đó, việc chế tạo 5 tàu ngầm hạt nhân khác của chương trình Barracuda đã bị chậm tiến độ sau khi bị buộc phải tạm dừng hoạt động từ trưa 17/3. Kể từ ngày 8/4, các nhóm nhỏ từ 20-40 công nhân mới từng bước làm việc trở lại và được trang bị khẩu trang chuyên dụng. Đến đầu tháng 5, khoảng 2.000 lao động có mặt thường xuyên tại các công xưởng. Tiến độ hoạt động sẽ dần trở lại bình thường trong một vài tuần tới, song khoảng 600 nhân viên vẫn tiếp tục làm việc từ xa.
Phải đến cuối năm nay, xưởng đóng tàu Cherbourg mới tổng kết được những tác động của đại dịch COVID-19 đối với kế hoạch bàn giao tàu. Theo dự kiến ban đầu, 3 tàu ngầm được bàn giao cho Hải quân trước năm 2025 và 2 tàu cuối cùng trước năm 2029.