Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ ngày 15/6, Tướng không quân Glen VanHerck, Tư lệnh Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ, cho rằng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới lớp Yasen của Nga có sức mạnh ngang hàng với tàu ngầm cùng loại của Mỹ. Vũ khí này sẽ là mối đe dọa thường trực với đất liền Mỹ trong 5 năm tới ở cấp độ chưa có tiền lệ.
“Nga mới đưa vào phiên chế tàu ngầm thứ hai lớp Sev, có sức mạnh ngang hàng với tàu ngầm Mỹ. Trong vòng 5 năm tới, Nga sẽ hoàn tất đóng mới 8-9 tàu ngầm loại này. Đó sẽ là mối đe dọa thường trực tầm xa đối với bờ biển phía đông và phía tây nước Mỹ, điều chưa từng xuất hiện trong quá khứ”, ông VanHerck nói.
Tàu ngầm “lớp Sev” mà Tướng VanHerck đề cập chính là tàu ngầm Kazan, mới được phiên chế cho Hạm đội phương Bắc thuộc Hải quân Nga hồi tháng Năm vừa qua. Đây là tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Yasen-M chạy bằng động cơ hạt nhân được trang bị tên lửa dẫn đường (SSNG).
Kazan cũng là mẫu hiện đại nhất thuộc lớp Yasen (Đề án 885), sau khi Nga đã đưa vào phiên chế mẫu tàu Severodvinsk, thiết kế đầu tiên thuộc lớp Yasen hồi năm 2013. Nga đang khởi đóng 4 tàu ngầm đa nhiệm lớp Yasen-M và dự kiến sở hữu ít nhất 8 chiếc vào cuối thập kỉ này.
Tàu ngầm Severodvinsk có chiều dài 140 m, mang 10 ống phóng lôi và 8 ống phóng tên lửa, mỗi ống có thể chứa nhiều tên lửa. Vũ khí trang bị gồm có 32 tên lửa P-800 Oniks hoặc 40 tên lửa 3M-14 Kalibr, hoặc cả hai loại này. Đây đều là dòng tên lửa hành trình tối tân, có khả năng tiêu diệt mục tiêu mặt đất, tàu chiến của đối phương.
Severodvinsk cũng được trang bị các công nghệ mới về lặn êm, tránh bị theo dõi. Sau khi hoàn tất thử nghiệm, mẫu tên lửa hành trình siêu vượt âm Zicron của Nga dự kiến cũng sẽ được trang bị trên Severodvinsk và các tàu tiếp theo thuộc lớp Yasen-M.
Chiều dài tàu lớp Yasen-M ngắn hơn tàu Severodvinsk khoảng 12m, nhưng cũng có 8 ống phóng tên lửa, được trang bị số lượng, chủng lại với số lượng tên lửa tương đương như Severodvinsk. Tàu ngầm mới của Nga còn được tích hợp rất nhiều công nghệ mới, như hệ thống kiểm soát, công nghệ lặn êm, hệ thống cảm biến đời mới, hệ thống cứu hộ, mẫu lò hạt nhân cải tiến giúp giảm tiếng ồn, sóng âm khi vận hành. Những đặc điểm này khiến việc theo dõi, phát hiện tàu lớp Yasen-M gặp rất nhiều khó khăn.
Những bình luận của Tướng VanHerck cũng trùng với cảnh báo Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Andrew "Woody" Lewis đưa ra trước đó. Phát biểu tại một cuộc hổi thảo do Học viện Hải quân Mỹ cùng với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đồng tổ chức hồi tháng 2/2020, ông Lewis nói rằng đã qua rồi thời kỳ tàu chiến Mỹ tự do tác chiến ở bờ biển phía Đông hoặc dọc Đại Tây Dương mà không gặp phải mối đe dọa nào. Số lượng tàu ngầm Nga triển khai ở Đại Tây Dương ngày càng nhiều, với sức mạnh lớn hơn bao giờ hết nhờ khả năng hoạt động dài ngày hơn, được trang bị các hệ thống vũ khí sát thủ hơn.