Hệ thống tên lửa Patriot của Không quân Hoa Kỳ. Ảnh: AFP |
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo của DSCA nêu rõ thương vụ sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ thông qua việc giúp cải thiện an ninh của một đồng minh thuộc khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời nhấn mạnh quốc gia Bắc Mỹ này đã và tiếp tục là đối tác then chốt của Mỹ trong việc đảm bảo hòa bình và thịnh vượng.
Thương vụ trên bao gồm 32 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến và 18 tên lửa huấn luyện, cùng với hệ thống dẫn đường, phụ tùng, bảo dưỡng và phát triển phần mềm.
Thông cáo cho biết những thiết bị này là cần thiết để máy bay tiêm kích của Canada "thực hiện một cách tối ưu" các nhiệm vụ với NATO và trách nhiệm trong Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD). Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chấp thuận cho tập đoàn Raytheon là nhà thầu chính của thương vụ này.
Cùng ngày, Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua thương vụ bán máy bay tiêm kích F-15 cho Qatar bất chấp căng thẳng ngoại giao giữa quốc gia vùng Vịnh này với các nước Arab láng giềng.
Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua thương vụ bán máy bay tiêm kích F-15 cho Qatar. Ảnh: AFP |
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ với tổng giá trị lên tới 1,1 tỷ USD, thỏa thuận trang bị vũ khí trên là cơ sở để Washington cung cấp máy bay chiến đấu F-15QA, xây dựng các cơ sở quân sự dưới mặt đất, các hầm kiên cố.
Mỹ đánh giá cao vai trò của Qatar đối với sự ổn định chính trị cũng như sự phát triển kinh tế trong khu vực vịnh Persic, đồng thời nhấn mạnh lợi ích quốc phòng của hai nước sẽ củng cố mối quan hệ song phương.
Thỏa thuận quân sự này được thông qua trong bối cảnh cẳng thẳng ngoại giao giữa Qatar, một trong những đồng minh quân sự chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông và 4 nước Arab đứng đầu là Saudi Arabia chưa có lối thoát.
Hồi tháng 6 vừa qua, các nước Arab đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar kèm theo cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Chính phủ Qatar luôn phủ nhận cáo buộc này.
Washington đã đề xuất làm trung gian hòa giải cho hai bên, tuy nhiên mới đây Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thận trọng trước khả năng đạt được đột phá trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ giữa các quốc gia vùng Vịnh này.