Không quân Mỹ lần đầu tiên tiếp nhận vũ khí laser gắn trên máy bay chiến đấu

Vũ khí laser LANCE gắn trên máy bay chiến đấu có thể đốt cháy các thiết bị điện tử của tên lửa, đồng thời hứa hẹn sẽ tham gia tấn công không đối đất trong tương lai. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa - Lockheed Martin

Trang Asia Times đưa tin Không quân Mỹ vừa tiếp nhận vũ khí laser gắn trên máy bay chiến đấu đầu tiên. Trước đó, trong tháng 7, nhà thầu quân sự Mỹ Lockheed Martin đã chuyển giao vũ khí laser trên không thế hệ mới LANCE cho Không quân Mỹ vào tháng 2.

Lockheed Martin lưu ý rằng LANCE có kích thước chỉ bằng 1/6 so với các vũ khí laser trước đây mà tập đoàn này sản xuất cho Quân đội Mỹ nên sức mạnh có phần giới hạn hơn.

Tạp chí Warzone ước tính công suất dòng điện nó phóng ra chỉ dưới 100 kilowatt. Dựa trên đặc điểm này, nó có thể được triển khai như một vũ khí đốt cháy các đầu dò nhạy cảm của tên lửa không đối không.

Mặc dù LANCE có thể đủ mạnh để chống lại các tên lửa đất đối không đang bay tới, nhưng sẽ không đủ cho mục đích phòng thủ tên lửa, đặc biệt là trước mối đe dọa ngày càng tăng từ vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc và Nga.

Trong cuốn sách “Các vũ khí năng lượng trực tiếp” được xuất bản năm 2016, tác giả Bahman Zohuri lưu ý rằng vũ khí laser phòng không được thiết kế để bắn hạ máy bay, trực thăng và tên lửa phải có công suất tầm megawatt cũng như khả năng nhắm bắn chính xác cao và liên tục.

Hiện vẫn chưa biết LANCE sẽ được lắp cho loại máy bay nào, nhưng bản mô hình của Lockheed Martin cho thấy vũ khí này được bố trí trên máy bay chiến đấu F-16. Tờ National Interest cho rằng LANCE và các vũ khí thế hệ sau của nó còn có thể được lắp trên máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35.

Chú thích ảnh
Bản vẽ mô phỏng máy bay F-16 gắn vũ khí laser. Ảnh: Lockheed Martin

Những vũ khí này sẽ cải thiện hơn nữa sức mạnh không chiến vốn đã đáng gờm của F-22 và F-35. Bởi lẽ tốc độ của tia laser nhanh hơn bất kỳ tên lửa không đối không nào hiện có. National Interest cũng lưu ý vũ khí laser sẽ giúp tăng đặc tính tàng hình cho máy bay, vì chúng có thể làm giảm tiết diện radar (RCS) nếu được sử dụng thay thế vũ khí thông thường.

Báo cáo của Cục Khảo cứu Quốc hội năm 2007 cho hay những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm tạo ra một loại vũ khí laser gắn trên máy bay đã thất bại do gặp vấn đề về kích thước, trọng lượng và chùm tia.

Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ gần đây đồng nghĩa với việc vũ khí laser gắn trên máy bay đã trở nên khả thi trở lại. Trong cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông năm 2020, Tiến sĩ Rob Afzal, thành viên cấp cao của Lockheed Martin về hệ thống cảm biến và laser, nói rằng sợi quang học laser và sự kết hợp chùm tia quang phổ giúp cho việc thu nhỏ vũ khí laser trở nên khả thi.

Ông Afzal khẳng định sợi quang học đã chứng minh được hiệu quả cao hơn trong việc chuyển đổi điện năng thành năng lượng laser, và các thiết bị laser sợi quang học có thể được vũ khí hóa bằng cách mở rộng công suất của chúng

Những tiến bộ về mặt công nghệ này có thể biến LANCE trở thành một loại vũ khí chiến thuật quan trọng trong tương lai. Nghiên cứu của Tạp chí Quản lý và Công nghệ Hàng không Vũ trụ năm 2014 đề cập rằng những tia laser này có thể được sử dụng chống lại các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là các mục tiêu điện tử dễ bị tổn thương như ăng ten vô tuyến, đĩa vệ tinh và máy biến áp, với mức thiệt hại tối thiểu. Chúng cũng có thể ứng dụng vào các chiến dịch chống khủng bố với độ chính xác cực cao mà các loại vũ khí dẫn đường chính xác hiện nay không thể đạt được.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Chuyên gia quân sự Nga lo ngại vũ khí tiên tiến mới của Ukraine
Chuyên gia quân sự Nga lo ngại vũ khí tiên tiến mới của Ukraine

Chuyên gia quân sự người Nga thừa nhận vũ khí mới của phương Tây được cung cấp cho Ukraine có thể khiến cơ hội chiến thắng của Nga khó khăn hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN