Những hệ thống tự hành và robot quân sự đang xuất hiện khá phổ biến trên toàn thế giới. Mỹ hiện là nhà phát triển hàng đầu và sử dụng hàng loạt hệ thống tự động trên không, trên bộ và trên biển, nhưng các nước khác cũng đang bám đuổi trong lĩnh vực này.
Robot tự động Platform-M của quân đội Nga. |
Trong vài năm trở lại đây, Nga đã có những bước đột phá công nghệ quan trọng trong việc phát triển và khai thác các hệ thống không người lái, mặc dù chất lượng của chúng vẫn là đối tượng cần được giám sát từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tuy ngành công nghiệp nội địa của Nga không có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nước này về các hệ thống như vậy, Bộ Quốc phòng Nga vẫn có những kế hoạch lớn cho việc phát triển các vũ khí tự động và robot.
Nhật báo Nga Izvestia gần đây đã báo cáo về việc chế tạo một loại vũ khí như vậy - một tổ hợp chiến đấu tự động tương tự như “Kẻ hủy diệt” (Terminator), được thiết kế bởi Cơ quan Sản xuất và Công nghệ 766 (Công ty Cổ phần UPTK 766) của Bộ Quốc phòng nước này.
Trước đó, UPTK đã phát triển các thiết bị phụ trợ như máy robot bánh xích được sử dụng để rà phá bom mìn (Uranium-6) và chữa cháy (Uran-14). Những cỗ máy mà Nga phát triển gần đây được trang bị súng máy đồng trục và một số module chiến đấu.
Izvestia đã thu được một hình ảnh về tổ hợp chiến đấu này, bao gồm một khung có bánh xích, trên đó có một trạm radar-quang học, máy ảnh, máy ảnh nhiệt và các thiết bị nhìn đêm. Cỗ máy này cũng được trang bị một khẩu súng máy đồng trục.
UPTK từ chối bình luận về chức năng và các tính năng của công nghệ này với Izvestia vì lý do bí mật quân sự, và cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cũng đã từ chối đưa nhận xét.
Sau đó, Izvestia đã phỏng vấn một số chuyên gia quân sự để họ đưa ra những đánh giá về sản phẩm này. Chuyên gia quân sự Aleksei Ramm cho rằng vì có nhiều module trong thiết kế nên "cỗ máy này khá linh hoạt và nếu được sử dụng cho các mục đích tình báo, nó có thể là hệ thống trinh sát và truyền tín hiệu. Ví dụ, hệ thống này có thể kích hoạt các thiết bị thông tin tình báo tín hiệu và thu được những bí mật của đối phương. Trên thực tế, theo kích thước ước tính, nó cũng có thể mang theo tên lửa chống tăng dẫn đường hoặc thiết bị kích nổ điều khiển từ xa”.
Mẫu thiết kế “Kẻ hủy diệt” (Terminator Series T-1) của quân đội Nga. |
Theo ông Victor Murahovsky, Tổng biên tập tạp chí Homeland Arsenal, thông qua việc sử dụng các hệ thống robot trong lĩnh vực kỹ thuật và trinh sát ở Afghanistan và Iraq, người Mỹ đã giảm đáng kể tổn thất nhân sự: "Họ mất khoảng 100 máy robot, nhưng lại có thể cứu mạng sống của khoảng 150 binh sĩ Mỹ".
Thời Liên Xô, các học viện quân sự của nước này đã thử nghiệm xe tăng điều khiển từ xa. "Chúng tôi đã có thuật toán điều khiển và phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề tự động hóa (đối với các hệ thống không người lái). Các hệ thống không người lái mới như vậy đòi hỏi cách tiếp cận kỹ thuật mới và cải tiến phần mềm”, ông Murahovsky chia sẻ.
Đến nay, cỗ máy này vẫn là một khái niệm trên bản vẽ, nhưng với các hoạt động gần đây của Nga trong việc phát triển nền tảng quân sự mới để bắt kịp Mỹ và phương Tây, thiết kế này có thể trở thành hiện thực.