Theo trang Thời báo Moscow mới đây, Hải quân Nga đang đầu tư vào 2 tàu ngầm mới, một trong số đó được người đứng đầu của Công ty đóng tàu quốc doanh của Nga mô tả là “sát thủ diệt tàu sân bay”. Chiếc tàu ngầm còn lại có thể được thiết kế để bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Nga trước các cuộc tấn công của đối phương. Một chiếc tàu ngầm mới của Nga chạy thử nghiệm trên biển ở khu vực Arkhangelsk. Ảnh: AP |
Tuyên bố trên cho thấy sự chủ động của Nga trong việc tiếp tục phát triển hạm đội tàu ngầm của mình. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Hải quân Nga, giống như các đơn vị quân sự khác, đã rơi vào thời kỳ suy giảm vì các nguồn lực bị hạn chế. Ngay khi trở lại cương vị Tổng thống Nga năm 2012, ông Putin đã cam kết hiện đại hóa lực lượng quân sự của nước này. Kế hoạch phát triển của Hải quân là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 356 tỷ USD đến năm 2020 của Tổng thống Putin.
Năm 2013, những chiếc tàu ngầm mới thế hệ thứ 4 đã được Moskva phát triển: Tàu ngầm lớp Borei có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo tấn công các mục tiêu xuyên lục địa và tàu ngầm tấn công lớp Yasen. Cả hai loại tàu ngầm này hiện đại hơn rất nhiều so với các tàu ngầm thời Xô-viết.
Tàu ngầm lớp Borei của Nga. |
Theo ông Anatoly Shlemov, người đứng đầu Công ty đóng tàu Thống nhất Nga, hai chiếc tàu ngầm thế hệ thứ 5 được đề cập ở trên sẽ giống về hình dạng nhưng khác nhau về trang bị so với các tàu ngầm thế hệ thứ 4. Mục đích chính của một trong những tàu ngầm thế hệ mới sẽ là “bảo vệ các nhóm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và đối phó với các tàu ngầm của đối phương – điều khiến các chuyên gia phương Tây gọi đây là các tàu ngầm tấn công”.
Chiếc tàu ngầm khác “sẽ mang theo các tên lửa hành trình để tiêu diệt các mục tiêu nổi và mục tiêu ven biển - một loại biến thể sẽ là sát thủ diệt tàu sân bay”.
Chính phủ Nga đã từng công bố những kế hoạch phát triển các hệ thống vũ khí mới, nhưng không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ hoặc đưa ra một khung thời gian cụ thể. Tuy nhiên, thông báo của ông Shlemov đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về các ưu tiên chiến lược của Hải quân Nga.
Bằng cách theo đuổi những thiết kế này, Moskva đang nỗ lực bảo vệ các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo của mình, chủ yếu ở Thái Bình Dương và vùng biển xung quanh bờ biển phía tây bắc của Nga, và để răn đe hoặc ngăn chặn việc Mỹ mở rộng vùng hoạt động của các nhóm tàu sân bay chiến đấu của Washington.
Chiến lược này của Nga có tính năng tương tự như chiến lược “chống tiếp cận” mà quân đội Trung Quốc đang theo đuổi, vốn xem các tàu sân bay của Mỹ là mối đe dọa hiện hữu trong một nỗ lực nhằm kiểm soát phần lớn Biển Đông của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc, Nga dường như không có kế hoạch phát triển tàu sân bay để làm đối trọng với Mỹ.