Các quốc gia châu Á đang mở rộng hạm đội tàu ngầm với tốc độ nhanh chưa từng có, trùng thời điểm ngành công nghiệp chế tạo tàu ngầm Nga hồi phục mạnh. Trong không trung, hố đen được xem là ngôi sao vô hình có sức mạnh tiêu diệt mọi vật thể quanh nó. Thế nhưng khi ở dưới đáy đại dương thì “hố đen” lại có hàm nghĩa khác – loại tàu ngầm tàng hình của Nga mà đến ngay cả Mỹ không tài nào phát hiện ra. Chính hải quân Mỹ đã công khai thừa nhận không thể theo dấu được chiếc Novorossiysk-451 (Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến Type 636.1) khi nó lặn ngầm dưới biển.
Khi mà những “quái vật biển” này vẫn là tài sản độc quyền của hải quân Nga, thì Moskva lại đang có bước tiến mạnh trên trên thị trường xuất khẩu vũ khí với loại tàu ngầm diesel. Với đặc tính tàng hình, chạy ít tiếng ồn và được trang bị loại tên lửa “chết chóc nhất”, tàu ngầm Nga là sự lựa chọn của hải quân nhiều nước, nhất là ở châu Á.
Tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất được mệnh danh là "Hố đen" trong lòng đại dương. Ảnh: RIA Novosti |
Tờ Asia Times mới đây đăng tải bài viết của chuyên gia David Isenberg nói rằng những tính năng độc nhất vô nhị và được trang bị hỏa lực mạnh chính là hai yếu tố khiến tàu ngầm Nga thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng nước ngoài. Trong cuộc đua tay đôi dưới đáy đại dương, tàu ngầm lớp Kilo rõ ràng là người chiến thắng trước các đối thủ đến từ Đức, Pháp hay Hà Lan.
Một lý do khác chính là việc Mỹ - đối thủ của Nga về công nghệ hải quân, đã không còn sản xuất tàu ngầm diesel, tạo ra khoảng trống để Nga chiếm lĩnh thị trường. Chính sách đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí đi kèm những điều khoản tài chính linh hoạt đã giúp cho tàu ngầm Nga đang chiếm lĩnh các đại dương, nhất là ở châu Á – Thái bình Dương.
Nhìn rộng ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh tại khu vực này đã làm các quốc gia ven biển chú trọng đến yếu tố an ninh hàng hải. Lấy ví dụ như Nhật Bản nhập khẩu đến 96% năng lượng và Hàn Quốc nhập 90% lương thực, thực phẩm. Là những đối tác thương mại lớn, hai nước này phụ thuộc khá nhiều vào doanh thu xuất khẩu. Sức mạnh hải quân khi đó sẽ là “chìa khóa” để bảo đảm an toàn trên các tuyến hàng hải. Thế nhưng đa phần các nước châu Á là nước nhỏ và ít có khả năng đóng, hay mua những tàu chiến cỡ lớn. Tàu ngầm là giải pháp mang tính trung hòa: Khó bị đối phương phát hiện, nó có thể tiêu diệt nhiều tàu chiến có kích thước lớn gấp nhiều lần.
Cuộc đua dưới đáy đại dương bắt đầuChạy đua mua sắm tàu ngầm tại châu Á bắt đầu từ năm 1997, với việc Trung Quốc ký thỏa thuận đặt mua tàu ngầm lớp Kilo tân tiến của Nga. Hào hứng với khả năng vượt trội của loại tàu này, năm 2003 Trung Quốc tiếp tục bỏ ra 1,6 tỉ USD để nhập thêm 8 chiếc Kilo. Dù tại thời điểm đó Trung Quốc sở hữu số tàu ngầm lớn hơn Mỹ, nhưng đội tàu đó không chất lượng. Bắc Kinh vì thế đặt cược vào tàu ngầm lớp Kilo, coi đây là chủng loại vũ khí đủ sức đối chọi với hải quân Mỹ, nhất là khi chúng được trang bị loại tên lửa siêu thanh Klub.
Ngoài tàu lớp Kilo, Trung Quốc hiện dành mối quan tâm rất lớn đối với tàu ngầm lớp Lada có kích thước lớn hơn Kilo, khi mà giới quân sự nước này chuyển trọng tâm từ đất liền sang biển xa. Lada được thiết kế với đặc tính tấn công nhanh, chống tàu ngầm, tàu nổi, do thám biển với tiếng ồn chỉ bằng 1/8 so với tàu Kilo. Tàu lớp Lada được trang bị hệ thống cảm biến thụ động, chủ động, có khả năng tác chiến tầm xa từ các căn cứ hải quân. Không chỉ dừng ở đây, Moskva còn đang cho phát triển một loại tàu ngầm mới lớp Kalina thế hệ thứ năm và bán cho Trung Quốc.
Khi Trung Quốc hành động thì các nước khác cũng không thể đứng nhìn, do Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với nhiều bên ở Biển Đông, Biển Hoa Đông. Ngoài Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm Kilo, Indonesia nổi lên là khách hàng lớn của Nga. Bản Kế hoạch Chiến lược Quốc phòng đến năm 2024 của Indonesia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Tăng gấp 5 lần số lượng tàu ngầm chỉ trong một thập kỉ tới. Năm 2013, Jakarta từng thảo luận với Moskva về hợp động mua một số tàu Kilo, nhưng không có kết quả. Thế nhưng Moskva cũng chưa chịu “buông xuôi”. Năm nay, chính phủ Nga lại một lần nữa đưa ra đề nghị bán cho Indonesia tàu ngầm Kilo loại mới nhất để tăng cường khả năng phòng thủ biển của nước này. Tiếp đến, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đều đặt ra mục tiêu phát triển các hạm đội tàu ngầm, xem tàu ngầm Nga là lựa chọn hàng đầu.
Cuộc đua tàu ngầm ở châu Á được thúc đẩy một phần bởi những mối quan ngại về an ninh, gắn với những điểm nóng về địa chính trị chưa tìm được cách thức giải quyết. Khi mà niềm tin còn chưa được xác lập, thì tàu ngầm có thể là một trong những công cụ răn đe hữu ích giúp bảo đảm ổn định tại khu vực.