Đối phó với Nga, Mỹ vội chi 2,9 tỷ USD phát triển vệ tinh cảnh báo tên lửa sớm

Không quân Mỹ thông báo đã giao cho nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin bản hợp đồng phát triển hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa có giá trị 2,9 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Các nhà khoa học chế nhiên liệu đặc biệt để hỗ trợ tên lửa Nga vượt qua tốc độ Mach 5. Ảnh: Sputnik

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề Tên lửa và Không gian tổ chức tại Huntsville, Alabama ngày 8/8, Giám đốc Cơ quan Quốc phòng tên lửa, Tướng Samuel Greaves đã tiết lộ bản phác họa về hệ thống phòng thủ và phát hiện tên lửa thế hệ mới của Mỹ, nhấn mạnh mục đích hàng đầu của hệ thống này là “kích hoạt chuông cảnh báo nếu có chuyện xảy ra”, đài phát thành Sputnik đưa tin.

Hệ thống cảnh báo sớm, có tên gọi Next Gen OPIR, sẽ bao gồm 5 vệ tinh, trong đó 3 vệ tinh đồng bộ do nhà sản xuất Lockheed Martin chịu trách nhiệm và 2 vệ tinh địa cực do bên Northrop Grumman nhận hợp đồng.

“Đây là hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ ngăn chặn hạt nhân”, Thomas Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trả lời báo Business Insider. Hệ thống này sẽ thay thế hệ thống SBIRS gồm 10 vệ tinh được sử dụng từ năm 2006.

Hệ thống cảnh báo sớm sẽ hoạt động chủ yếu dựa trên cơ chế tìm kiếm các dấu hiệu nhiệt do động cơ tên lửa tạo ra, dễ dàng phát hiện ra mục tiêu không chỉ lúc phóng mà còn lúc đang bay khi bóng của tên lửa “in trên nền đen không gian”.

Mặc dù hợp đồng hệ thống SBIRS của Lockheed đến năm 2022 mới kết thúc, song lực lượng Không quân Mỹ trong tháng 2 trình bày với Quốc hội rằng muốn chuyển quỹ phát triển vệ tinh thứ 7 và 8 của dự án SBIRS sang dự án Next Gen OPIR.

Vệ tinh đầu tiên của Next Gen OPIR dự kiến sẽ được phóng vào năm 2023, trước thời điểm lên kế hoạch ban đầu 2 năm, và toàn bộ hệ thống sẽ hoàn thành phóng lên không gian trong năm 2029.

“Khi nghiên cứu phát triển những hệ thống mới này, chúng tôi chú trọng vào tốc độ. Chúng tôi muốn cung cấp một hệ thống với khả năng cảnh báo sớm có thể sống sót trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa những năm 2020”, Bộ trưởng Không quân Heather Wilson cho biết.

Động thái Mỹ gấp rút phát triển hệ thống phát hiện tên lửa mới được cho là hành động đối phó với các vũ khí Mach 5 của Nga mới thử nghiệm đầu năm nay.

“Điều quan trọng nhất cần làm trong ngành quốc phòng tên lửa là phải đảm bảo bạn có thể nhận ra và phân tích mối đe dọa”, Tướng John Hyten – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ khẳng định.

Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019. Đây là dự luật được thượng nghị sĩ John S. McCain đệ trình và sẽ được phê chuẩn chi tiêu quốc phòng 716 tỷ USD trong tài khóa 2019. Nội dung trong đạo luật này ưu tiên việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa siêu tốc.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Theo chân Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ
Theo chân Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ

Tháng 6/2018, tổng số trái phiếu chính phủ Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm giữ đã giảm từ 32,6 tỷ USD xuống còn 28,8 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN