Theo Sputnik, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy xu thế cắt giảm nợ tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ tháng 11/2017, lúc đó quốc gia này đang nắm giữ khoản nợ trị giá 61,2 tỷ đô la Mỹ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ cắt giảm sở hữu đối với nợ chính phủ Mỹ xảy ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Ankara và Washington đi xuống do nhiều yếu tố, bao gồm hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, các lệnh trừng phạt liên quan đến mục sư người Mỹ Andrew Brunson và thuế quan Mỹ áp đặt đối với nhômn thép Thổ Nhĩ Kỳ…
Trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, đồng tiền lira của nước này đã sụt giá 40% so với đầu năm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chỉ trích động thái của Mỹ, gọi đó là một "cuộc tấn công kinh tế". Chính quyền Ankara đã thực hiện các biện pháp trả đũa tương tự, tuyên bố tẩy chay các sản phẩm điện tử do Mỹ sản xuất và áp đặt thuế đối với ô tô, rượu và thuốc lá Mỹ.
Vào đầu năm nay, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Nga cũng đã cắt giảm đáng kể số trái phiếu ghi nợ của chính phủ Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước xuống dốc sau một loạt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt Washington áp đặt.
Đến tháng 5, Nga chỉ còn giữ 14,9 tỷ đô la trái phiếu ghi nợ và kể từ đó Nga không mua vào hoặc bán trái phiếu Mỹ. Thời điểm cắt giảm nợ công trùng khớp với khoảng thời gian Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với một nhà sản xuất nhôm Nga. Ngân hàng Trung ương Nga giải thích động thái này là một phần trong kế hoạch đa dạng hóa cổ phần.
Cho đến nay, ba chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc với 1,18 nghìn tỷ đô la, Nhật Bản với 1,03 nghìn tỷ đô la và Brazil với 300 tỷ đô la.