Báo cáo nêu rõ doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đã lên đến 420 tỷ USD, nhờ đóng góp lớn của thị trường Mỹ. Chỉ riêng các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ chiếm tới 59% thị trường với tổng doanh thu lên đến 246 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm trước. Giám đốc phụ trách chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quốc phòng SIPRI, bà Aude Fleurant nhận định đây là một con số tăng đáng kể trong năm qua. Các doanh nghiệp Mỹ đã và đang được hưởng lợi từ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nhằm củng cố vị trí của nước này trước Trung Quốc và Nga.
Nga hiện là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất vũ khí, chiếm 8,6% thị trường, xếp trên Vương quốc Anh (với 8,4%) và Pháp (5,5%). Almaz-Antei- công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của Nga- đã vươn lên vị trí thứ 9 trong danh sách những công ty xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới với doanh thu 9,6 tỷ USD - tăng 18% so với năm trước. Sự gia tăng này không chỉ xuất phát từ nhu cầu cao của thị trường nội địa, mà còn nhờ vào tăng trưởng doanh số bán vũ khí sang các nước khác, đặc biệt là việc xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Một trong những khách hàng của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp sự đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ. Công nghiệp vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt doanh thu ở mức 2,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước, với 2 công ty lọt top 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. Với mục tiêu đảm bảo khả năng tự cung cấp vũ khí hiệu quả, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển năng lực sản xuất vũ khí ở mọi phân khúc như như hệ thống phòng không, hệ thống hàng hải và tên lửa... Bà Fleurant đánh giá do xung đột vũ trang kéo dài với lực lượng người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có xu hướng tăng nhu cầu đối với vũ khí.
Nghiên cứu của SIPRI không bao gồm Trung Quốc do không đủ dữ liệu, nhưng SIPRI cũng ước tính có từ 3 đến 7 doanh nghiệp của nước này lọt vào top 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã dành 1,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng.
SIPRI cho biết doanh nghiệp Lockheed Martin của Mỹ vẫn duy trì vị trí công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới từ năm 2009 đến nay, với doanh thu năm 2018 đạt 47,3 tỷ USD, chiếm 11% thị trường thế giới. Ngoài ra, hai công ty hàng đầu châu Âu là Airbus và MBDA thời gian qua cũng đáp ứng nhu cầu vũ khí tăng cao do xung đột vũ trang và căng thẳng nghiêm trọng đang diễn ra ở một số khu vực.