Theo đài Sputnik (Nga), giới chuyên gia cho rằng tuyên bố của ông Kim dường như không phải là lời nói sáo rỗng, vì bất chấp mọi lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt, Bình Nhưỡng vẫn sở hữu lực lượng quân sự hùng mạnh trang bị một số vũ khí khá ấn tượng.
Dưới đây là một số minh chứng về hệ thống vũ khí mà Triều Tiên có thể sử dụng để đối phó với đối phương.
Trước hết phải nhắc đến M1989 Koksan - pháo tự hành cỡ nòng 170 mm. Loại pháo này có tầm bắn lên đến 40 km với đạn thông thường hoặc 60 km với đạn tăng tầm, vượt xa pháo tự hành K9 Thunder hiện đại nhất của Hàn Quốc về cả tầm bắn lẫn sức công phá.
Tiếp đến là Hwasong-11Na, hay còn gọi là KN-24 , tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng tới 500 kg, có tầm bắn khoảng 400 km.
Theo Bình Nhưỡng, Hwasong-8 là tên lửa đạn đạo được trang bị phương tiện bay siêu vượt âm. Tên lửa này có thể mang đầu đạn vươn tới các mục tiêu cách xa hàng nghìn km.
KN-09 là hệ thống pháo phản lực phóng loạt với 8 ống phóng có cỡ nòng 300 mm, tầm bắn 200 km, được quân đội Triều Tiên giới thiệu năm 2014 và đưa vào biên chế năm 2016, được xem là loại vũ khí thông thường mạnh nhất lúc bấy giờ.
KN-25 thực sự là sáng tạo đặc biệt của các nhà sản xuất vũ khí Triều Tiên. Là hệ thống tên lửa phóng loạt cỡ nòng siêu lớn, KN-25 có thể phóng nhiều loại tên lửa tiêu chuẩn, bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Tầm bắn của loại vũ khí này ước tính khoảng 380 km.
Triều Tiên mới đây đã trình làng xe tăng chiến đấu chủ lực M2024, phiên bản nâng cấp so với M2020 trước đó. M2020 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo được trang bị pháo 125mm và tên lửa chống tăng. Nhìn bề ngoài, M2020 giống sự kết hợp giữa T-14 Armata của Nga và M1 Abrams của Mỹ. Đây là bổ sung tương đối mới cho kho vũ khí của Triều Tiên và vẫn còn phải xem chính xác khả năng của nó là gì.