Theo Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng (DSCA) của Bộ Quốc phòng Mỹ, thương vụ bán tên lửa PAC-3 MSE sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ thông qua việc nâng cao năng lực an ninh của Đức - một đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định chính trị và kinh tế ở châu Âu.
Việc mua PAC-3 MSE sẽ giúp Đức cải thiện năng lực ứng phó với các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như việc phối hợp với các lực lượng Mỹ và NATO.
Sau khi được Bộ Ngoại giao chấp thuận, DSCA đã gửi thông báo tới Quốc hội Mỹ trong ngày 15/8 để phê chuẩn thương vụ.
Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được quân đội nước này biên chế từ năm 1981. Phiên bản mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không như tiêm kích, phương tiện không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Theo các kế hoạch phòng thủ mới của NATO, Đức sẽ cần tăng gấp 4 lần năng lực phòng không để bảo vệ cơ sở hạ tầng và quân đội trong trường hợp căng thẳng leo thang nghiêm trọng hoặc xảy ra chiến tranh.
Cũng trong ngày 15/8, Lầu Năm Góc thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã chấp thuận thương vụ bán thiết bị bay không người lái MQ-9 Reaper cho Italy với trị giá ước tính 738 triệu USD. Nhà thầu chính của thương vụ này là General Atomics.