Nội dung trên được các chuyên gia, nhà khoa học nêu ra tại buổi tọa đàm “Thành phố Hồ Chí Minh làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, do Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 27/11.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua, tại buổi trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng về định hướng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.
Những chỉ dẫn này làm cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tự định vị mình, xác lập mục tiêu cùng với lộ trình phù hợp để phát triển, đóng góp và hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát cho biết, những năm qua, sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh luôn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt, Thành phố đều có những mô hình, cách làm mới mang tính đột phá, sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo cho các địa phương khác. Thực tế này minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự chủ động, năng động, sáng tạo không ngừng của Thành phố.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã phân tích vai trò, sứ mệnh của Thành phố trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; nhận diện và dự báo những vấn đề, khó khăn, thách thức mà Thành phố đã, đang và sẽ đối mặt, là “điểm nghẽn”, trở ngại lớn vào tiến trình phát triển; góp ý những định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ - giải pháp cần thực hiện để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết Thành phố phải sớm xử lý “điểm nghẽn” để không bị “vướng víu” khi bước đi trong kỷ nguyên mới. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 3 “điểm nghẽn” nổi bật là giao thông đô thị, rác thải (môi trường), nhà ở cho người dân.
Thành phố được xem là “đầu tàu” kinh tế của cả nước thì không thể để tồn tại tình trạng kẹt xe, ngập nước triền miên, năm này qua năm khác. Thành phố phải phát triển theo hướng giao thông công cộng, giảm bớt phương tiện cá nhân và phải làm nhanh, quyết liệt. Thành phố cũng phải gỡ vấn đề nhà ở, đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo, công nhân, người lao động.
Dẫn chứng về “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, trước năm 2022, Thành phố hầu như không có đường vành đai, bởi Vành đai 2 chưa khép kín. Tuy nhiên, hai năm vừa qua, Thành phố đang triển khai nhiều dự án lớn, dự kiến hết nhiệm kỳ này (2020 - 2025) sẽ có đường Vành đai 3, đang trình dự án Vành đai 4 và triển khai khép kín Vành đai 2.
Thành phố sẽ tương đối hoàn chỉnh các tuyến vành đai trong 5 năm tới phục vụ liên kết vùng, liên kết cả nước và một số nước trong khu vực. Các tuyến đường vành đai giúp Thành phố mở quỹ đất, tạo không gian phát triển đô thị mới. Cùng với đó, Thành phố đang quyết tâm hoàn thành 183km đường sắt đô thị trong 10 năm tới.
Góp ý về mục tiêu, định hướng thời gian tới, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho rằng, trước hết, Thành phố phải thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và về phát triển Đông Nam bộ). Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ vị trí, vai trò của Thành phố. Giai đoạn 2026 - 2035 có ý nghĩa quyết định, là giai đoạn thể hiện khát khao vươn lên của dân tộc, đây cũng là giai đoạn Thành phố vươn mình mạnh mẽ nhất.
Thành phố phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ít nhất phải cao hơn trung bình cả nước 1,2 - 1,5% trong 5 năm tới và cao hơn 1,5% giai đoạn sau thì mới thể hiện vai trò động lực, dẫn dắt mà thành phố đã từng làm được. Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cho rằng, Thành phố cần sớm xây dựng được Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, xem như những khâu đột phát trong 5 năm tới.
Hoạt động kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh phải có tính thị trường cao nhất cả nước, mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phải được hình thành rõ nét nhất, xét trên ba khía cạnh tăng trưởng kinh tế bền vững, tiến bộ công bằng xã hội và phúc lợi cho người dân, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, ba yếu tố cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải có sự “đặc biệt” cho Thành phố.