Cận cảnh gầm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông "nhếch nhác" qua các tuyến phố.
Không ít người đi đường phản ánh, mặc dù dự án này sắp hoàn thành, đưa vào khai thác, nhưng vị trí dải phân cách dưới gầm toàn tuyến đang trong tình trạng bỏ hoang, nhếch nhác, mất vệ sinh, nhất là đoạn gần khu vực ngã tư giao giữa phố Thái Hà với phố Hoàng Cầu mới và đường Yên Lãng (quận Đống Đa) hay dọc tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng được tập kết bừa bãi tại đây là do các hạng mục của nhiều nhà ga dự án này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, dẫn tới tình trạng các công trình phía dưới chưa được chủ đầu tư dự án và TP Hà Nội quan tâm.
Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc (phụ trách) Ban Quản lý đường sắt (Bộ GTVT), dự án hiện đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%, 95% trang thiết bị cũng đã tập kết và đang triển khai lắp đặt. Còn một số hạng mục xây dựng sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị chuyên ngành.
Còn theo đại diện nhà thầu, trong quá trình thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, chủ đầu tư và các nhà thầu cố gắng tối đa để trả lại mặt bằng cho TP Hà Nội, tạo mỹ quan đô thị và thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Toàn bộ các lô cốt, rào chắn phục vụ thi công dải phân cách trên toàn tuyến đường có dự án đi qua đã được tháo dỡ, trả lại mặt bằng.
Các hạng mục dưới gầm cầu như chống sét, thoát nước, trồng cây xanh, hoàn thiện mỹ quan… cũng đã bàn giao cho các ngành chức năng của Hà Nội để triển khai. Trong thời gian chưa thực hiện, nhiều điểm mặt bằng, dải phân cách giữa dưới gầm tuyến đường sắt trên cao đang trở thành những “điểm đen” ô nhiễm môi trường, làm “nhếch nhác” các tuyến phố có đường sắt đi qua.
Qua tìm hiểu của phóng viên, các ngành chức năng, chính quyền địa phương của Hà Nội cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc xử lý thực tế trên, nhất là sự phân cấp quản lý thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan. Đơn cử, những khu đất trống của dự án đang chờ triển khai thì việc quản lý thuộc về phía chủ đầu tư. Trách nhiệm của Sở GTVT, Sở Xây dựng và chính quyền các cấp cơ sở cơ bản chỉ dừng ở việc hoàn trả mặt bằng, xử lý vi phạm khi bắt quả tang các hành vi chiếm dụng lòng đường, gây ô nhiễm môi trường…
Hiện nay, hành lang pháp lý liên quan đến công tác xử lý các bất cập phát sinh nêu trên đã được quy định trong Nghị định 28/2017/NĐ-CP về xử phạt các vi phạm gây mất mỹ quan đô thị; Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đường phố, hệ thống thoát nước thải đô thị. Quan trọng công tác phối hợp giữa các lực lượng, các đơn vị liên quan để đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định đối với công trình.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân, bởi tầm quan trọng đối với giao thông thủ đô. Đây là một công trình quy mô, đòi hỏi độ chính xác cao, thi công nghiêm ngặt. Do vậy, hơn lúc nào hết, dư luận mong ngóng công trình đường sắt đô thị đầu tiên của thủ đô nhanh chóng đi vào hoạt động, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà còn chấm dứt được tình trạng mất mỹ quan đô thị của toàn dự án.