Kinh doanh dịch vụ rửa xe được đặc quyền, đặc lợi?

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cửa hàng dịch vụ rửa xe mọc lên như nấm trên nhiều tuyến phố Hà Nội, không chỉ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành địa điểm sở hữu riêng, mà còn xả thẳng toàn bộ hóa chất, nước, bùn đất thải rửa xe máy, ô tô ra hệ thống cống thoát nước chung, không qua bất cứ khâu xử lý nào.

Ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến văn minh đô thị, tắc nghẽn hệ thống thoát tiêu... các điểm rửa xe còn gây cản trở, mất an toàn giao thông. Dư luận xã hội đang đặt vấn đề, kinh doanh dịch vụ rửa xe được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi thuộc về ai?

Video các cửa hàng kinh doanh dịch vụ rửa xe đặc quyền, đặc lợi:

Dạo quanh các tuyến phố nội đô, không khó để nhận ra sự tồn tại của hàng loạt cửa hàng kinh doanh dịch vụ rửa xe máy, ô tô lớn nhỏ. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm điểm rửa xe trái phép, nhưng đến nay thực trạng này vẫn tiếp diễn.

Dịch vụ rửa xe khá đơn giản, chỉ cần có nguồn nước, mua máy bơm, vòi tạo áp lực, lắp biển hiệu… là người người, nhà nhà đều có thể hành nghề. Với mức giá rửa xe ô tô, xe máy bình quân từ 25.000 – 70.0000 đồng/xe, chỉ cần rửa khoảng 10 xe/ngày, mỗi cửa hàng đã có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/ngày. Có cầu, ắt có cung, dịch vụ rửa xe tự phát mở ra ngày càng nhiều, tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng ô tô, xe máy trong nội đô hiện nay…

Chú thích ảnh
Phố Nhà Hỏa (quận Hoàn Kiếm) từ lâu đã trở thành phố kinh doanh rửa xe riêng của các hộ dân, tại đây vỉa hè, lòng đường đều được tận dụng triệt để làm bãi rửa xe.  
Chú thích ảnh
Phố Cao Bá Quát (quận Ba Đình) cũng là phố kinh doanh dịch vụ rửa xe nổi tiếng của Thủ đô, vỉa hè tuyến phố hầu như không dành cho người đi bộ.
Chú thích ảnh
Cửa hàng rửa xe trên phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) biến lòng đường chung thành sở hữu riêng để làm điểm rửa xe ô tô.
Chú thích ảnh
Cửa hàng rửa xe trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) biến vỉa hè thành của riêng, mặc dù vỉa hè tuyến phố vốn đã chật hẹp.

Qua tìm hiểu, đặc điểm chung của các cửa hàng, địa điểm, vị trí kinh doanh dịch vụ rửa xe hiện nay đều phải nằm trên mặt đường, mặt phố rộng rãi mới thu hút người có nhu cầu rửa xe vào sử dụng dịch vụ. Xuất phát từ yêu cầu này, nên đa phần các cửa hàng đăng ký kinh doanh đều ngang nhiên tận dụng triệt để vỉa hè, lòng đường trước mặt tiền để làm dịch vụ. Do thường xuyên chịu áp lực nước, cộng với hàng trăm lượt xe ô tô, xe máy lên xuống, ra vào mỗi ngày, nên mặt vỉa hè, lòng đường tại các cửa hàng rửa xe thường xuyên bị bị biến dạng, lồi lõm.

Chưa hết, không chỉ rửa xe, không ít cửa hàng kinh doanh dịch vụ còn dùng nhiều phế thải như bạt nhựa, gỗ cốp pha, tôn nhựa… dựng lều tạm trên vỉa hè để tiện cho việc kinh doanh trà đá, nước giải khát các loại đi kèm; biến vỉa hè thành nơi kinh doanh ồn ào suốt ngày đêm, khiến các đoạn vỉa hè trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, mất an ninh trật tự.

Chú thích ảnh
Một địa điểm kinh doanh rửa xe gần ngã ba Thụy Khuê - Liễu Giai gây cản trở giao thông mỗi khi có xe ô tô ra vào rửa, công nhân tự đứng phân luồng giao thông.  
Chú thích ảnh
Dọc đường Hồng Tiến (quận Long Biên), hàng loạt cửa hàng kinh doanh dịch vụ rửa xe mọc lên, tận dụng vỉa hè, lòng đường rộng rãi của tuyến đường để làm điểm rửa xe lý tưởng.
Chú thích ảnh
Các hộ kinh doanh tại đây tự cho mình đặc quyền, đặc lợi sử dụng vỉa hè, lòng đường thành của riêng.
Chú thích ảnh
Phố Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng) từ lâu cũng mọc lên hàng loạt cửa hàng kinh doanh dịch vụ rửa xe, lấn chiếm vỉa hè.

Theo Thông tư 26/BTNMT ngày 28/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn thi hành Nghị định số 18/CP của Chính phủ về “Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT), đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch môi trường”, dịch vụ rửa xe là cơ sở kinh doanh có sử dụng nước và có xả nước thải ra môi trường. Theo đó, chủ cơ sở kinh doanh phải lập đề án BVMT đơn giản, có hồ sơ trình UBND cấp quận, huyện để đăng ký. Ngoài ra, theo Điều 100 Luật BVMT năm 2014, nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe hiện nay không thực hiện nghiêm các quy định trên.

Có thể nói, hiện nay việc quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe chưa được chính quyền các cấp sở tại quan tâm. Việc xử lý mới dừng lại ở xử phạt hành chính vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; còn xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về BVMT ít được thực hiện. Để quản lý tốt loại hình dịch vụ này, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm do dịch vụ này gây ra, đã đến lúc chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nếu vi phạm các quy định về BVMT, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Mặc dù Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 21/7/2015 của UBND TP Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn Thành phố, quy định nghiêm cấm các hành vi, hoạt động gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường trên hệ thống đường đô thị, bao gồm hoạt động sửa chữa xe, rửa xe trong phạm vi lòng đường, hè phố… nhưng đến nay, quy định này gần như bị các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe “phớt lờ”.

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định rõ, sửa chữa xe, rửa xe trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức. Mặc dù quy định đã được ban hành, việc phát hiện sai phạm cũng không khó, song, vấn đề xử lý hiện nay mới dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Việc xử phạt hành chính vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thuộc trách nhiệm của chính quyền cơ sở mới chỉ hời hợt theo kiểu “phạt cho tồn tại”, trong khi xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về BVMT hầu như chưa được thực hiện.

Chú thích ảnh
Phố kinh doanh dịch vụ rửa xe Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) hiện nay đang gây bức xúc dư luận và người dân địa phương về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dịch vụ rửa xe, gây mất cảnh quan đô thị.
Chú thích ảnh
Đáng qua ngại nhất về thực trạng kinh doanh dịch vụ rửa xe hiện nay là tụ điểm rửa xe khu vực phố Chùa Hà - Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), không chỉ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, mà còn diễn ra tình trạng "chặt chém" khách rửa xe... 
Chú thích ảnh
Phố Giang Văn Minh (quận Ba Đình) từ lâu cũng mọc lên hàng loạt cửa hàng kinh doanh dịch vụ rửa xe ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Chú thích ảnh
Cửa hàng kinh doanh dịch vụ sửa xe, tận dụng toàn bộ vỉa hè phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) kiêm luôn rửa xe. 
Chú thích ảnh
Toàn bộ vỉa hè tuyến phố được tận dụng, lấn chiếm để kinh doanh.

Hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của các cơ sở rửa xe đã vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Việc này không chỉ gây mất an toàn đối với người tham gia giao thông, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực. Do đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đảm bảo giữ nguyên vỉa hè, lòng đường cho người tham gia giao thông; đồng thời, siết chặt hoạt động của dịch vụ rửa xe, quy định rõ điều kiện kinh doanh (về mặt bằng, vệ sinh môi trường, nước thải...), nhằm hạn chế tối đa các điểm rửa xe tự phát mọc lên ngày càng nhiều.

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Giá rửa xe ô tô, xe máy ở Hà Nội tăng mạnh ngày 28 Tết
Giá rửa xe ô tô, xe máy ở Hà Nội tăng mạnh ngày 28 Tết

Những ngày sát Tết, hầu hết các cơ sở rửa xe trên địa bàn thành phố Hà Nội đều điều chỉnh giá dịch vụ. Đáng chú ý, giá rửa và các dịch vụ chăm sóc nội, ngoại thất ôtô tăng giá mạnh với mức tăng dao động từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng tùy dịch vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN