Kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (1917), đánh dấu sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, cho đến nay, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã trải qua hơn một thế kỷ đầy biến động, thăng trầm. Đảng Cộng sản vẫn đang phát huy vai trò lãnh đạo, dẫn đường ở những nước xã hội chủ nghĩa và đang hoạt động mạnh mẽ, tuy không nắm quyền lãnh đạo đất nước ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa.
Các Đảng cộng sản trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác, tìm tòi con đường phát triển phù hợp với tình hình của mỗi nước nói riêng và xu thế phát triển của toàn thế giới nói chung.
Đến nay, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết - nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã giải thể hơn 30 năm. Cùng với đó, Đảng Cộng sản Liên Xô - một chính đảng lớn với hơn 20 triệu đảng viên không chỉ mất đi quyền lãnh đạo đất nước, mà còn bị “giải tán” trong chớp nhoáng.
Sự kiện đã xảy ra khá lâu với nhiều quan điểm và cách giải thích khác nhau về nguyên nhân của sự kiện này, nhưng vẫn chưa có một đáp án thống nhất; những tranh luận xung quanh chủ đề này vẫn chưa kết thúc.
Cuốn sách "Tính trước nguy cơ - Suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng" đi sâu phân tích những nhóm nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu trong lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô. Những bài học rút ra từ việc nghiên cứu nguyên nhân mất Đảng của Đảng Cộng sản Liên Xô cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn cho các Đảng Cộng sản đang nắm quyền nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Với cách trình bày khoa học, lập luận rõ ràng, cuốn sách là tài liệu tham khảo đối với bạn đọc, nhất là các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác đảng, giảng viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử, xây dựng Đảng.
Trong cuốn sách, một số luận giải, đánh giá của các tác giả về các vấn đề trong quan hệ quốc tế, về một số sự kiện, nhân vật đang có những ý kiến khác nhau, cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi.