Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi

Để đảm bảo an ninh trật tự lễ hội đầu Xuân, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, yêu cầu đơn vị chức năng quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính.

Chú thích ảnh
Ngày 5/2/2025 (mùng 8 tháng Giêng), Lễ hội Đúc Bụt (hay còn gọi là Lễ hội Cướp chiếu) khai mạc tại cụm di tích Đình Cả, làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách tham dự. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Vĩnh Phúc đảm bảo an ninh trật tự lễ hội đầu Xuân

Đầu Xuân Ất Tỵ, các khu du lịch, di tích, danh thắng ở Vĩnh Phúc thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái. Để bảo đảm an ninh trật tự, địa phương đã tăng cường lực lượng, triển khai các phương án, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội.

Khu danh thắng quốc gia đặc biệt Tây Thiên (huyện Tam Đảo) thu hút hơn 50.000 lượt du khách thập phương về du Xuân, chiêm bái. Ban Quản lý đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị chức năng tăng cường quản lý, đảm bảo các hoạt động du Xuân, văn hóa, tín ngưỡng diễn ra lành mạnh.

Ông Đỗ Quốc Trọng, Trưởng Ban Quản lý Khu danh thắng quốc gia đặc biệt Tây Thiên cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người dân, du khách, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về các quy định của lễ hội, nhắc nhở du khách nêu cao ý thức cảnh giác, bảo quản đồ dùng cá nhân. Các khu vực dâng hương, hóa vàng mã sẽ bố trí nhân viên túc trực, hướng dẫn du khách thực hiện đúng quy định. Ban Quản lý di tích đền đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi an ninh trật tự cũng như các vấn đề phát sinh nhằm xử lý kịp thời vụ việc xảy ra.

Công an huyện Tam Đảo đã thành lập tổ thường trực, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn ngừa các hành vi vi phạm an ninh trật tự. Đồng thời huy động tối đa lực lượng, phương tiện bám tuyến, địa bàn, thực hiện hiệu quả việc tuần tra, kiểm soát, phân luồng, điều tiết giao thông ở những nơi tập trung đông người. Công an huyện tăng cường tuần tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn cháy, nổ; không kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bán hàng đúng giá niêm yết…

Hằng năm, ở Vĩnh Phúc diễn ra gần 400 lễ hội, chủ yếu là lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề. Tiêu biểu như: Lễ hội Kéo Song (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên); lễ hội Tây Thiên (huyện Tam Đảo); lễ hội Chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô); lễ hội đền Bắc Cung (huyện Yên Lạc)...

Từ nay đến hết tháng 3 (âm lịch), ở Vĩnh Phúc sẽ diễn ra nhiều lễ hội với những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, do vậy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy. UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo dõi trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những sai phạm; đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, biến tướng, làm sai lệch lễ hội truyền thống. Đồng thời, gắn trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể với người phụ trách trong việc chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Việc tổ chức lễ hội phải bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương hình thức, lãng phí. Cùng với đó, thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội gắn với bảo vệ, giữ gìn di tích, danh lam thắng cảnh, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các lễ hội; không lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật.

Thực hiện nếp sống văn minh, an toàn trong lễ hội

Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh yêu cầu, lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý nhà nước để đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội Xuân năm 2025.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội (trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ); không sử dụng ngân sách Nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch; đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tuyệt đối không tổ chức và tham dự lễ hội tràn lan, lãng phí, nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan...

Ngành chức năng sắp xếp, phân luồng, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự giao thông tại khu vực và trong thời gian diễn ra các lễ hội cũng như hoạt động liên quan; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, tác động tiêu cực...Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.

Hằng năm, ở Long An diễn ra nhiều lễ hội, thu hút hàng nghìn lượt người tham quan. Điển hình như: Lễ hội Làm Chay (tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành); lễ hội Vía Bà Ngũ hành (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc); lễ hội Rằm tháng Giêng tại chùa Nổi (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng); lễ Kỳ Yên tại đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa...).

Nguyễn Thảo - Thanh Bình (TTXVN)
Cho thôi chức vụ đối với cán bộ đánh golf trong giờ hành chính ở Bắc Ninh
Cho thôi chức vụ đối với cán bộ đánh golf trong giờ hành chính ở Bắc Ninh

Liên quan đến vụ cán bộ đánh golf trong giờ hành chính, ngày 12/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp xem xét, thi hành kỷ luật Đảng viên vi phạm theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN