Đề tài do Trường Đại học Tài chính - Marketing chủ trì thực hiện từ tháng 4/2018 đến tháng 7/2022, nhằm đánh giá thực trạng xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long, xác định các giá trị cốt lõi của tỉnh và các yếu tố hình thành giá trị thương hiệu tỉnh Vĩnh Long. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất định vị thương hiệu và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đồng thời đưa ra giải pháp quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu tỉnh Vĩnh Long.
Tiến Sỹ Nguyễn Văn Hiến, Chủ nhiệm đề tài cho biết, qua nghiên cứu, phân tích đánh giá các thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long, có thể đúc kết chung các giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu tỉnh. Về vị trí và điều kiện tự nhiên, tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long, có giá trị kết nối giao thông và liên kết vùng, tài nguyên đất màu mỡ, có giá trị cao trong phát triển nông nghiệp và thủy sản, có nhiều cảnh quan sông nước thơ mộng hấp dẫn đầu tư và thu hút du lịch.
Về kinh tế, tỉnh Vĩnh Long có một số nông sản trái cây nổi tiếng, nhiều làng nghề truyền thống thu hút du lịch và phát triển xuất khẩu, môi trường đầu tư của tỉnh khá tốt. Về lịch sử, văn hóa, xã hội, tỉnh có nhiều giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh đặc sắc và nổi tiếng, người dân Vĩnh Long có truyền thống, thân thiện và mến khách, có nền tảng về hệ thống giáo dục và đào tạo tốt.
Nhóm nghiên cứu nhận định, tỉnh Vĩnh Long có nhiều giá trị cốt lõi, trong đó giá trị cốt lõi về nhóm yếu tố văn hóa địa phương là nổi trội và khá khác biệt với các địa phương trong vùng. Từ đó, nhóm đề xuất lấy yếu tố “văn hóa”, “đặc sắc” của tỉnh để định vị thương hiệu trong thời gian tới với khẩu hiệu là “Vĩnh Long: Kinh đô văn hóa miền Tây”. Nhóm cũng đề xuất định vị thương hiệu riêng trên các lĩnh vực như định vị hình ảnh du lịch Vĩnh Long, hình ảnh cộng đồng doanh nghiệp, hình ảnh chính quyền.
Song song đó, đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu khuyến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long xem xét ra quyết định công bố bộ nhận diện thương hiệu tỉnh Vĩnh Long; thành lập đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện các công việc liên quan đến quản trị thương hiệu của địa phương. Nhóm nghiên cứu đề xuất tỉnh cho chủ trương xây dựng đề án thành lập “Trung tâm bảo tồn trái cây Nam Bộ lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” gắn với du lịch sinh thái sông nước tại Cù lao An Bình làm điểm nhấn thu hút du lịch của tỉnh Vĩnh Long. Trong chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh hằng năm cần bổ sung thêm nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương” để có kế hoạch kiểm tra, đánh giá, đảm bảo hoạt động này diễn ra thường xuyên, liên tục.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, với vai trò là đơn vị trực tiếp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của đề tài, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thông tin và ứng dụng các kết quả của đề tài vào thực tiễn của địa phương. Sở sẽ nghiên cứu các giải pháp thuộc lĩnh vực phụ trách để ứng dụng, từng bước định vị thương hiệu du lịch địa phương, góp phần cùng xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long ngày càng mạnh và lan tỏa.