Phát biểu tại Lễ khai mạc, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh: Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng tới Kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Các tác phẩm tham gia liên hoan lần này ở nhiều loại hình sân khấu, từ dân gian, lịch sử đến hiện đại, có chất lượng nghệ thuật cao, mang giá trị truyền thống của dân tộc, tôn vinh các phẩm chất của người Hà Nội, Thủ đô Anh hùng.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần này là cuộc hội tụ của các đơn vị sân khấu, nhằm tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các đoàn nghệ thuật, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển.
Liên hoan cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước có cách nhìn khái quát về sự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu đóng trên địa bàn Hà Nội, cũng như các đơn vị nghệ thuật của các tỉnh bạn để có những giải pháp đầu tư phát triển nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển tốt hơn nữa cho nghệ thuật sân khấu Thủ đô nói riêng, sân khấu cả nước nói chung.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết, các tác phẩm tham dự liên hoan đều được thẩm định về mặt nội dung nghệ thuật và là những vở diễn được đầu tư chăm chút ở mức độ cao. Anh chị em nghệ sỹ rất trông đợi vào cuộc hội tụ nghề nghiệp này, bởi đây là một sân chơi lớn, đòi hỏi chất lượng nghệ thuật cao cả về nội dung và nghệ thuật.
Ban tổ chức hy vọng và tin tưởng thế hệ nghệ sỹ trẻ sẽ chứng tỏ sức thanh xuân của mình trong nghệ thuật và mong muốn khán giả Thủ đô sẽ ủng hộ các đêm diễn, đặc biệt là mong kéo được khán giả trẻ đến với sân khấu.
Sau Lễ khai mạc, Nhà hát Chèo Hà Nội mở màn Liên hoan bằng vở “Trung trinh liệt nữ”. Nội dung vở diễn là câu chuyện về công chúa An Tư thời nhà Trần với cuộc hôn nhân mang tính trọng đại vì đất nước.
Khi Thoát Hoan dẫn quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ 2, trước thế giặc hung hãn, triều đình nhà Trần tìm kế hoãn binh để củng cố lực lượng, đã gả công chúa An Tư cho Thoát Hoan. Từ trong lòng quân giặc, An Tư công chúa đã bí mật gửi tin tức về tình hình quân Nguyên cho nhà Trần biết để tìm cách phản kích. Khi nhà Trần phản công mạnh mẽ, An Tư công chúa đã biến mình thành ngọn lửa sống để dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan mà đến tấn công, khiến cho Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng về nước. Sự hy sinh quên mình của An Tư công chúa đã góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến Mông - Nguyên thắng lợi lần thứ 2 đầy vẻ vang trong lịch sử nhà Trần…
Vở diễn được đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Trần Hồng Vân, được chuyển thể chèo bởi tác giả Mai Văn Sinh. “Trung trinh liệt nữ” có sự tham gia diễn xuất của nhiều gương mặt nghệ sỹ, diễn viên tên tuổi của Nhà hát Chèo Hà Nội. Vở diễn hoàn thành và ra mắt từ tháng 8/2020, được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao giải B cho các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc năm 2020.
Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 diễn ra từ ngày 25/9 đến ngày 2/10 với sự tham dự của 13 đơn vị nghệ thuật cùng 13 vở diễn về đề tài Hà Nội ở nhiều góc nhìn như “Bất tử với Thăng Long”, “Sóng dựng Lô Giang”, “Trung Trinh liệt nữ”, “Đêm trước ngày hoàng đạo”, “Hà Nội - thành phố của những giấc mơ”, “Huyền tích chùa Một Cột”…
Ngoài các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội như Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội), liên hoan còn có sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Thủ đô như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và các đơn vị xã hội hóa phía Nam như Sân khấu Sen Việt, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh và một đơn vị xã hội hóa phía Bắc là Sân khấu Lệ Ngọc.
Liên hoan sân khấu Thủ đô mở cửa miễn phí cho công chúng tại nhiều địa điểm sân khấu quen thuộc trên địa bàn Hà Nội như Rạp Đại Nam (89 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng); Nhà hát Chèo Quân đội (số 45, ngõ 126 đường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm); Nhà hát Quân đội (130 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy); Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm); Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (101 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa).