Liên hoan Sân khấu kịch nói Việt Nam:

Nhiều vở diễn sáng tạo, mới mẻ hấp dẫn công chúng

Sau gần 2 tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã thành công tốt đẹp, để lại trong lòng công chúng những xúc cảm khó quên về một “bữa tiệc” sân khấu kịch nói đa sắc màu.

Liên hoan cũng là dịp để những người làm sân khấu kịch nhìn lại mình để có những bứt phá trên hành trình chinh phục công chúng. 

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao giải thưởng cho các tập thể tại lễ bế mạc. Ảnh: An Đăng/TTXVN

“Bữa tiệc” sân khấu đa sắc màu

Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 có sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với 20 vở diễn thuộc nhiều thể loại, đề tài, từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị… đã được các nghệ sỹ dự thi thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc.

Khán giả đã được xem vở “Đường chân trời” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng với câu chuyện về người phụ nữ trong xã hội hôm nay, xã hội hiện đại với những trăn trở kiếm tìm hạnh phúc. Về đề tài chiến tranh, vở “Thiên định” của Trung Tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh Hải Dương phản ánh sự sám hối của người lính đối phương trước sự tàn bạo đến phi lý của quân đội Mỹ đối với người dân Việt Nam. Trong khi đó, vở “Hố đen” của Nhà hát kịch Quân đội đề cập đến xã hội thời hậu chiến con người dễ bị lôi cuốn, bị hút vào những lối sống tiêu cực giống như vũ trụ bị hút vào hố đen. Cũng về đề tài chiến tranh, vở “Điều còn lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam với nhiều tình huống cho phép khám phá đời sống nội tâm của nhân vật, - một vở kịch đạt tới sự thanh lọc về cảm xúc bi kịch…

Mảng kịch lịch sử có một số tìm tòi thú vị như “Làm vua” (Sân khấu Lệ Ngọc) được thể hiện rất gần với phong cách kịch cổ điển châu Âu qua độc thoại của nhân vật Vua và Hoàng hậu. Trong khi đó, vở “Thiên mệnh” của Nhà hát Kịch Việt Nam đưa ra một lý giải mới về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ và những người em của mình sẵn sàng làm tất cả cho cho cơ nghiệp nhà Trần... Đây là tác phẩm được đánh giá là một vở diễn tốt cả về hình thức và nội dung.

Nhà hát Tuổi trẻ mang đến Liên hoan sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại. Nếu như ở “Ngược chiều gió”, nhân vật không chấp nhận lối sống giả dối, thì trong “Cái ao làng” lại xoay quanh vấn đề lấp hay không lấp cái ao mà dưới lòng ao chứa nhiều rác rưởi... 

Nhà hát Kịch Hà Nội mang đến Liên hoan vở diễn “Làng song sinh”, là tiếng nói ẩn dụ với thủ pháp giả định, trong mỗi con người ta đều có kẻ giấu mặt sống song đôi. Tính bi hài trong vở kịch không chỉ mang lại giải trí cho người xem mà còn buộc họ phải suy nghĩ đến những lẫn lộn của ta giữa giả và thực, tốt và xấu, thiện và ác. Một số vở kịch có đề tài chống tiêu cực, chống tham nhũng, lên tiếng chống lại cái ác, cái xấu của một bộ phận người đương thời như “Vầng sáng” của nhà Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, “Trái tim thành phố” của Nhà hát Công an Nhân dân, “Tình bạn và công lý” của sân khấu Phú Thọ…

Sự trưởng thành của những gương mặt trẻ  

Phó Chủ tịch phụ trách nghệ thuật kiêm Trưởng ban sáng tác Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà nhận định: Những tác phẩm tham dự Liên hoan năm nay đã chứng tỏ ưu thế của thể loại sân khấu tiên phong khi khai thác trực diện nhiều vấn đề của thời cuộc. Tất cả đều toát lên một tinh thần, gửi gắm những thông điệp đầy tính nhân văn, để lại cho người xem nhiều bài học về ứng xử giữa con người với con người, thái độ đối với gia đình, cộng đồng và đất nước.

Bất ngờ hơn cả là nhiều tác phẩm đã tập trung khai thác đề tài lịch sử, dã sử nhưng lại mang góc nhìn mới với những lý giải mới, chứa đựng tính thẩm mỹ - giáo dục cao, có khả năng chinh phục khán giả hiện đại. Có thể kể đến vở “Thiên mệnh” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Lau trắng” (Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam), “Làm vua” (Sân khấu Lệ Ngọc), “Hà Thành chính khí” (Nhà hát Kịch Hà Nội)…

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đánh giá, nhìn từ Liên hoan Sân khấu kịch nói năm 2021, có thể thấy được sân khấu Việt đang có nhiều thay đổi, có nhiều điểm mới cả về nội dung và hình thức. Đề tài được phản ánh trong Liên hoan rất phong phú, mới và có giá trị dự báo. Các đơn vị nghệ thuật đã chú trọng đến việc đầu tư vào kịch bản, đạo diễn, diễn viên và các bộ phận kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng… để cho ra đời những tác phẩm sân khấu có chất lượng. Các nghệ sỹ có được điều kiện tốt nhất để bộc lộ tài năng sáng tạo, người xem được thưởng thức nhiều vở diễn hấp dẫn.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, một trong những yếu tố làm nên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này là nghệ thuật đạo diễn. Có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn là: Đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng đập vào thị giác (như Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu, Lê Quý Dương, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu)… và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm (như Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ, Nghệ sỹ Ưu tú Minh Hiếu, Nghệ sỹ Ưu tú Sỹ Tiến)…

Âm nhạc - một thành phần không thể thiếu trong tác phẩm trình diễn kịch nói cũng được các đoàn, nhà hát đã đầu tư xứng đáng. Nhiều vở diễn coi việc có nhạc, cần nhạc như hơi thở, giúp cho vở có cảm xúc, đồng hành cùng nhân vật trong các sự kiện. Bên cạnh đó, nhiều vở diễn đã sử dụng nhạc dân gian một cách khéo léo, tạo được không gian đặc trưng vùng miền, khắc họa tính cách nhân vật. Không gian trong các vở kịch nói tại Liên hoan lần này được thể hiện rất đẹp, hợp lý và mới về chất liệu, về ánh sáng, về hình khối hội họa, tạo hình...

Liên hoan Sân khấu kịch nói năm 2021 đã cho thấy sự trưởng thành của những gương mặt trẻ, có tài năng thực sự. Bên cạnh những thành công về đạo diễn như Lê Quý Dương trong vở “Làm vua”, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng đạo diễn vở “Con đò của mẹ”, “Thiên định”; Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ đạo diễn vở “Thiên Mệnh”… còn có một số tác phẩm được các đạo diễn trẻ thể hiện rất thành công như Nghệ sỹ Ưu tú Kiều Minh Hiếu trong vở “Điều còn lại”, Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu trong vở “Làng song sinh”… đã có những có tìm tòi và xử lý khá hấp dẫn.

Bên cạnh đó, nghệ thuật diễn xuất của các diễn viên cũng có những đột phá, để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng công chúng. Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc bày tỏ sự vui mừng khi có một đội ngũ diễn viên trẻ, giàu nhiệt huyết trong sáng tạo các hình tượng nhân vật, mang đến cho công chúng cảm xúc qua các vai diễn. Có thể kể đến nghệ sỹ Quỳnh Châu trong hình tượng Dương Văn Nga (lúc trẻ), Huy Hoàng trong vai thái giám (Sân khấu Lệ Ngọc), Đoàn Xuân Bích trong nhân vật Tào (Nhà hát Quân đội), Khuất Quỳnh Hoa trong Trần Thị Dung (Nhà hát kịch Việt Nam), Thiện Tùng trong vai Quả (Nhà hát kịch Hà Nội), Chí Nhân trong vai Henriviê (Nhà hát kịch Hà Nội)…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan bày tỏ vui mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và sự hấp dẫn công chúng. Đặc biệt, Liên hoan đã có nhiều vở diễn sáng tạo, mới mẻ, bám sát nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại và được đầu tư có chất lượng cao. Điều này thêm một lần khẳng định thế mạnh của loại hình kịch nói, đó là tạo nên liều "vaccine tinh thần" trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

“Nhìn chung các đơn vị với sự thể hiện nghiêm túc của các diễn viên dự liên hoan dù có những thành công khác nhau, nhưng tất cả đều được các thể hiện nghiêm túc, sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, đậm tính nhân văn, thời sự, hữu ích cho xã hội”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Liên hoan Sân khấu kịch nói năm 2021 khép lại, tuy thiếu một bộ phận lực lượng nghệ sỹ sân khấu phía Nam, nhưng sự hiện diện của hơn 600 nghệ sỹ của 14 đơn vị sân khấu kịch nói cùng với 20 vở diễn đã cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của những người trong nghề ở thời điểm khó khăn nhất của sân khấu kịch nói riêng và ngành sân khấu nói chung. Thành công của Liên hoan lần này đã cho thấy tình yêu nghệ thuật của các nghệ sỹ, người làm sân khấu vẫn còn cháy bỏng, các nghệ sỹ sân khấu vẫn yêu tha thiết sàn diễn và sẵn sàng trở lại với công chúng khi dịch được khống chế, nhà hát mở cửa trở lại.

Phương Lan (TTXVN)
Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 tại thành phố Hải Phòng
Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 tại thành phố Hải Phòng

Tối 5/11, tại thành phố Hải Phòng, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng và các đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN