Vĩnh hằng giá trị căn cứ cách mạng Khu ủy V

Với đặc điểm địa - chính trị, Khu V có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế.

Đoàn Cựu chiến binh TTXVN thăm và viếng hương bia Tưởng niệm TTX Giải phóng Trung Trung bộ (ngày 21/7/2018)​.

Dãy Trường Sơn hùng vĩ vươn mình ra biển Đông là địa bàn trọng yếu xây dựng Căn cứ - Cơ quan đầu não Khu ủy V, từ năm 1955 Căn cứ được đóng tại Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), mùa thu năm 1956 được chuyển về Trung Mang, huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là huyện Đông Giang), tỉnh Quảng Nam. Tháng 2 năm 1960, căn cứ Khu ủy V được chuyển từ Trung Mang đến đóng tại Ták Pỏ; Nước Là; Sông Thanh, huyện Trà My (nay là huyện Nam Trà My), tỉnh Quảng Nam… 

Cuối năm 1973, để kịp thời chỉ đạo chiến trường trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 21 của BCH Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh hoạt động tấn công địch, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam”; để đảm bảo an toàn và thuận lợi trong chỉ đạo cách mạng, Căn cứ Khu ủy V di chuyển từ Nước Oa, huyện Trà My về xã Phước Trà, huyện Phước Sơn nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam (1973- 1975) đây là căn cứ cuối cùng lãnh đạo cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trên chiến trường Khu V.          

Theo Hồi ký “Trên những chặng đường Cách mạng” của đồng chí Võ Chí Công ( xuất bản 1996) thì cơ quan Khu ủy V đóng trên vùng đất rộng với địa hình tương đối bằng phẳng, chỉ có một số chỗ nhấp nhô, phía sau lưng có những đồi thưa, còn ba bên nhất là trước mặt có nhiều đồi tranh bạt ngàn, có 2 hồ cá thiên nhiên, có đường ô tô từ đường 16 đi vào khoảng 1 km. Việc chuyển căn cứ từ vùng núi cao xuống vùng giáp ranh đồng bằng và đóng ngay trước mũi kẻ thù là một quyết định táo bạo của tư tưởng tiến công hướng về giải phóng đồng bằng và thành phố, là sự tin tưởng tuyệt đối vào lòng dân, suốt những năm tháng kháng chiến nhân dân Khu V nói chung và nhân dân các dân tộc huyện Hiệp Đức nói riêng đã tình nguyện làm lá chắn sống bảo vệ Đảng bảo vệ Căn cứ trước mọi sự tấn công của quân thù. Ba năm ( 1973-1975), một thời gian ngắn nhưng Căn cứ Cách Mạng Khu ủy V đã mang trong mình một sứ mệnh lịch sử trọng đại để lại dấu ấn về một địa danh cuối cùng, nơi tổ chức một Đại hội cuối cùng-Đại hội III, Đảng bộ Khu V diễn ra từ ngày 15 đến 22 tháng 12 năm 1973 với 264 đại biểu đại diện cho 47. 000 đảng viên của 11 Đảng bộ các tỉnh và đơn vị gồm: đặc khu Quảng Đà, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăc, đoàn Quân khu V, Dân- Chính - Đảng.

Thực hiện Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu V lần thứ III, Khu ủy V đã lãnh đạo, chỉ đạo mở các cuộc tiến công và nổi dậy trên khắp các chiến trường, mở màn là chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), từ đó khắp nơi trên các chiến trường ta mở nhiều đợt tấn công tiêu diệt các cứ điểm, tề gian diệt ác, chặn đứng âm mưu bình định và lấn chiếm của địch, mở rộng hành lang vùng giải phóng từ Tây Nguyên đến đồng bằng tạo ra thế và thời cơ mới trên khắp các chiến trường, hội các điều kiện để mở các chiến dịch giải phóng Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, liên tục tiến công và nổi dậy ở các tỉnh miền Trung, chúng ta đã đập tan bộ máy chiến tranh của địch ở Khu V, mở rộng con đường thần tốc tiến vào Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam 30 tháng 4 năm 1975.

Đoàn Cựu chiến binh TTXVN thăm và viếng hương bia Tưởng niệm TTX Giải phóng Trung Trung bộ (ngày 21/7/2018)​.

Với vai trò lịch sử của mình năm 1993, Di tích Căn cứ Khu ủy V được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng “ Di tích Lịch sử - Văn hóa” cấp Quốc  gia.         

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đang từng ngày hồi sinh, sau khi được xếp hạng Chính phủ đầu tư tu bổ tôn tạo, Bảo tàng Quân khu V và Bảo tàng tỉnh Quảng Nam giúp đỡ chuyên môn phục chế, tôn tạo các hạng mục di tích, huyện đầu tư Dự án sưu tầm hiện vật Di tích Khu V, lần theo các nhân vật, sự kiện lịch sử, các địa chỉ liên lạc từ Hà Nội, Tây Nguyên đến thành phố Hồ Chí Minh, những cuộc gặp gỡ đầy trân trọng và xúc động giữa hai thế hệ, “ Họ” là những tướng lĩnh, họa sỹ, nhà báo, quay phim, bác sỹ, giáo viên, cán bộ tuyên huấn, bộ đội,... và đặc biệt bác Võ Chí Công khi đó, tuy tuổi cao nhưng khi nhắc đến Khu V, bác sôi nổi hẳn lên, nhớ như in những kỷ niệm một thời hoạt động, bác căn dặn “những năm tháng kháng chiến đồng bào luôn cưu mang, đùm bọc cách mạng, bây giờ Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho nhân dân thật đầy đủ”. Bác đã trao lại các hiện vật kỷ niệm còn lưu giữ lại cùng các kỷ vật của nhiều người từng hoạt động tại Khu V hiến tặng, giờ đây nó không còn của riêng ai nữa mà là những báu vật để tô điểm một mốc son lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng muôn đời.         

Từ các chương trình đầu tư, Căn cứ được tái hiện với Nhà và hầm làm việc đồng chí Võ Chí Công, Hội trường Đại hội III, các Giếng nước, Ao cá, Ao rau muống, đường nội bộ, 255 hiện vật gốc được sưu tầm và trưng bày. Đặc biệt, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên là một trong những đơn vị đã sớm đầu tư xây dựng Bia kỷ lưu niệm (năm 2005) có chiều cao 3,6 mét, rộng gần 2,5 mét, dày 15 cm bằng đá cẩm thạch, với mảng phù điêu khắc hoa văn, hình tượng các phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đang tác nghiệp để tri ân 29 liệt sỹ của TTXVN đã hy sinh trên các chiến trường Khu V ác liệt. 

Đến nay tại Khu di tích đã có nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng bia lưu niệm: Bia Trung tâm Di tích, Ban Tuyên huấn, Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ, Bia kỷ niệm các đoàn Đại biểu tham dự Đại hội, Nhà Trưng bày hiện vật... Các công trình phục vụ như Nhà đón tiếp khách, Sân bãi đỗ xe, Nhà nghỉ, Khu trồng cây lưu niệm, Khu bảo tồn Nhà sàn đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư đồng bộ. Ban Quản lý Di tích được thành lập, các chương trình, dự án đầu tư khai thác du lịch lịch sử - văn hóa được các cơ quan, đơn vị đầu tư, tour du lịch giữa Di tích với các điểm du lịch hạt nhân của tỉnh và khu vực được kết nối, hàng ngàn hecta cao su xanh tốt bạt ngàn, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được đầu tư, tất cả cùng hợp lực tạo diện mạo mới cho một vùng căn cứ cách mạng.           

Từ trong sâu thẳm tâm thức của thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi sự hy sinh lớn lao của bao lớp người trước, những giá trị về một thời oanh liệt nhưng cũng đầy nghiệt ngã sẽ trở thành vĩnh hằng cho muôn đời sau.                 

* Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn Kỷ yếu Căn cứ cách mạng Khu ủy V       
    
Bài và ảnh: Đức Ngọc - Anh Văn
Di tích khu ủy V - Dấu ấn của một kỳ đại hội
Di tích khu ủy V - Dấu ấn của một kỳ đại hội

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Khu V vô cùng ác liệt, chịu nhiều tổn thất hi sinh nhưng rất đỗi hào hùng với những chiến công oanh liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN