Di tích khu ủy V - Dấu ấn của một kỳ đại hội

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Khu V vô cùng ác liệt, chịu nhiều tổn thất hi sinh nhưng rất đỗi hào hùng với những chiến công oanh liệt.

 

 

Dãy Trường Sơn hùng vĩ khu vực miền Trung là địa bàn trọng yếu để xây dựng cơ quan đầu não Cách mạng Khu ủy V, để đảm bảo an toàn Căn cứ của Khu, qua 20 năm có 08 lần dời chuyển đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì Hiệp Đức vinh dự là nơi căn cứ đóng cuối cùng của Khu ủy (1973-1975).
 
Và qua 30 năm (1945 - 1975 Đảng bộ Khu V tổ chức 03 lần Đại hội thì Hiệp Đức vẫn vinh dự là nơi tổ chức Đại hội cuối cùng và là duy nhất trên đất Quảng Nam. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khu V lần thứ III diễn ra từ ngày 15 đến 22 tháng 12 năm 1973 tại xã Phước Trà (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) đã ghi dấu ấn về một địa danh cuối cùng, một Đại hội cuối cùng của Khu uỷ có sứ mệnh lịch sử trọng đại, quyết định sự thành công trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, giải phóng toàn Khu V, góp phần vô cùng quan trọng vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Đoàn Cựu chiến binh TTXVN thăm và viếng hương bia Tưởng niệm TTX Giải phóng Trung Trung bộ (ngày 21/7/2018).

Ngược dòng lịch sử nhìn lại những lần tổ chức Đại hội Đảng bộ Khu V, lần thứ I Đại hội Đảng bộ Liên Khu V họp vào tháng 3-1949 tại Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Lần thứ II Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khu V họp vào tháng 7-1951 tại An Lão, tỉnh Bình Định. Lần thứ  III, qua 24 năm, Đại hội được tổ chức tại tại huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam- là nơi diễn ra Đại hội cuối cùng với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Đảng bộ Khu V. Và một điều đặc biệt trong nhiều lần dời chuyển thì huyện Trà My là nơi Căn cứ đóng 2 lần, năm 1965 tại Nóc Ông Đồi, Trà Giáp (Nam Trà My) và năm 1970 tại Nước Oa, Trà Tân (Bắc Trà My) nhưng không có lần nào được tổ chức Đại hội.
 
Tham dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khu V lần thứ III có 264 đại biểu thay mặt cho 47.000 đảng viên của 11 Đảng bộ trực thuộc Khu ủy về dự gồm: đoàn đại biểu của đặc khu Quảng Đà và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, đoàn Quân khu V và Dân Chính Đảng. Đại hội diễn ra tại một khu rừng, trong hội trường rộng lớn được xây dựng bằng gỗ, lợp lá, bàn ghế tuy thô sơ nhưng được xem là tốt nhất thời đó. Trước đại hội, các đoàn đại biểu và các đoàn nghệ thuật làm lán trại xung quanh hội trường để ở lại trong thời gian dự và phục vụ đại hội. 
 
Trong điều kiện rừng núi thiếu thốn đủ bề, để bảo đảm việc ăn ở cho một đại hội có 500 đến 600 người (cả đại biểu và người phục vụ) trong nhiều ngày, suốt mấy tháng trời lực lượng của ta vừa phải lo xây dựng căn cứ vừa phải lo xây dựng hội trường, lán trại, chuẩn bị nội dung, tài liệu..., chuyển lương thực thực phẩm, hàng hóa từ vùng địch ở đồng bằng lên căn cứ để phục vụ cho đại hội là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng mọi người rất quyết tâm vì sự thành công của một kỳ đại hội quan trọng.

Đoàn Cựu chiến binh TTXVN thăm và viếng hương bia Tưởng niệm TTX Giải phóng Trung Trung bộ (ngày 21/7/2018).

Đại hội lần này có một ý nghĩa chính trị đặc biệt, ta đã có một vùng căn cứ  rộng lớn từ miền núi đến đồng bằng, xây dựng được một lực lượng hùng hậu ba thứ quân chủ lực, địa phương và du kích, lấy lực lượng đảng viên gần 47. 000 người làm nòng cốt, minh chứng một sự lớn mạnh vượt bậc của Đảng bộ và quân dân toàn Khu V. Đại hội quán triệt Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh hoạt động tấn công địch, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam”, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục chấn chỉnh tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận và ngoại giao. Cương quyết đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm, thu hẹp vùng địch, mở rộng vùng ta, phát triển lực lượng và phong trào cách mạng vùng địch kiểm soát, giữ vững và phát triển thực lực ta về mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế; đưa cách mạng tiến lên”. 
 
Đại hội đã thảo luận và có Nghị quyết mở các chiến dịch lớn diệt địch, mở rộng vùng giải phóng trên các chiến trường từ Tây Nguyên đến đồng bằng, tạo thời cơ thuận lợi tiến đến giải phóng các tỉnh trong toàn Khu. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ gồm 38 đồng chí, trong đó 9 đồng chí trong Ban Thường vụ , đồng chí Võ Chí Công- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Đại tướng Chu Huy Mân làm Phó Bí thư kiêm Tư lệnh Quân Khu. Đại hội đã thành công tốt đẹp, củng cố thêm sự đoàn kết nhất trí và lòng tin tưởng trong toàn Đảng bộ Khu V.
 

Các em học sinh huyện Hiệp Đức sinh hoạt ngoại khóa tại sân khu di tích.

 
Sau đại hội, các ban tham mưu của Khu ủy cùng các địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội, mở nhiều chiến dịch lớn tấn công địch, tiến lên giải phóng Tây Nguyên làm bàn đạp giải phóng đồng bằng và thành phố, đập tan bộ máy chiến tranh của địch ở Khu V, mở rộng con đường thần tốc tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
 
Chiến tranh kết thúc, Căn cứ Cách mạng cuối cùng của Khu ủy V ghi lại bao dấu son vinh dự được chứng kiến ngày thắng lợi hoàn toàn của dân tộc. Với vai trò lịch sử của mình, di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng “Di tích Lịch sử Văn hóa” cấp Quốc gia năm 1993, được Chính phủ đầu tư tôn tạo các hạng mục di tích để góp phần giáo dục truyền thống cho muôn đời sau. Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam, Căn cứ Khu ủy V nay đã thắm lại một màu xanh bất diệt với sự nỗ lực và quyết tâm không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Đức đã biến nơi đây từ một chiến trường ác liệt, một vùng quê nghèo khó bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh trở thành một địa phương có đời sống kinh tế văn hóa, xã hội tiến bộ, an ninh quốc phòng vững mạnh.
 
* Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn Kỷ yếu Căn cứ cách mạng Khu ủy V
Bài và ảnh: Sang Thu - Anh Văn
Xây dựng Quân khu 5 vững mạnh toàn diện
Xây dựng Quân khu 5 vững mạnh toàn diện

Ngày 16/10, tại Đà Nẵng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 5 (16/10/1945 - 16/10/2015).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN