Vì sao hoa hậu 'ngại' trách nhiệm xã hội?

Hành trình để một người đẹp đến được với danh hiệu Hoa hậu, Á hậu, người đẹp… trong các cuộc thi nhan sắc quả thật nhiều chông gai, vất vả. Thế nhưng, hành trình để người đẹp ấy giữ vững được danh hiệu, làm tròn trách nhiệm của một Hoa hậu với xã hội, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội dành cho mình… xem ra còn vất vả hơn, mà rất hiếm Hoa hậu Việt Nam hiện nay làm được… Thế nhưng, điều đáng nói hơn là trong hệ thống văn bản pháp quy hiện nay, cũng chưa có một dòng quy định nào về vấn đề này, cũng không có một chế tài nào để xử lý trong trường hợp hoa hậu “trốn” trách nhiệm xã hội… “Vướng mắc” là ở đâu?


Bài 1: “Diễn” thì giỏi, làm thì ngại


Một giám khảo trong cuộc thi hoa hậu, kể: “Tôi có dịp cùng các thí sinh tới một trung tâm từ thiện- xã hội tham gia hoạt động từ thiện. Mỗi thí sinh đều nhanh chóng chọn một em nhỏ để bế, nựng nịu… Điều này thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, vấn đề là lúc bấy giờ trong phòng sinh hoạt của trung tâm chỉ có khoảng hơn chục em nhỏ, trong khi số lượng thí sinh lên tới vài chục người, thế là có nhóm thí sinh giành nhau để bế một em bé, người này bế, người kia giành, làm em bé khóc thét lên, choài ra đòi mẹ nuôi bế. Các thí sinh vẫn nhất định không trả lại cho mẹ nuôi, đến lúc tôi phải gắt lên: “Các cháu không thấy em bé khóc à, thể hiện gì ở đây chứ, các cháu trả lại em bé cho mẹ đi!”, thì các thí sinh mới ngượng ngùng trả lại em bé cho mẹ nuôi. Hành động này thật sự phản cảm và mất điểm”.

Tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp những người đẹp hoàn thiện nhân cách. Ảnh: Dũng DL


Việc thí sinh hoa hậu “diễn” trong các phần tham gia hoạt động từ thiện, xã hội… khá phổ biến, và không chỉ có một vài giám khảo cảm thấy bức xúc. Những bức ảnh các thí sinh vừa bế các em nhỏ tật nguyền, có hoàn cảnh khó khăn… vừa khóc nức nở thật sự không khó kiếm trên báo mạng hoặc trong phần hình ảnh của mỗi cuộc thi. Nhân hậu, biết yêu thương con người là điều đáng quý, là một trong những phẩm chất quan trọng của mỗi người Việt Nam chúng ta; nhưng sự thật tâm khác với việc “diễn”, và người chứng kiến hoàn toàn có thể nhanh chóng phân biệt được thật giả.

TS - Đệ nhất Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng - Phó trưởng BTC cuộc thi “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 3 -2013”:

BTC cuộc thi “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 3/2013” đã đề xuất lên Ban Chỉ đạo cuộc thi, để soạn thảo bản cam kết thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của Thí sinh đạt một trong các danh hiệu sau: Hoa hậu, Á hậu 1, Á hậu 2, “Người đẹp thân thiện”, “Người đẹp xứ Quảng”, “Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất”, “Người đẹp Biển”, “Người đẹp ảnh”, “Người đẹp tài năng”, “Người đẹp Du lịch”. Theo đó, các người đẹp phải có trách nhiệm tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, sự kiện, các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế… theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Quảng Nam. Thí sinh đạt giải “Người đẹp xứ Quảng” phải là đại sứ Du lịch của Quảng Nam.

Và đặc biệt là các thí sinh đạt giải phải tham gia đầy đủ vào các Lễ hội của dân tộc do Uỷ ban Dân tộc, Bộ VH, TT&DL tổ chức. Hay đi tới các vùng sâu vùng xa, tham gia các chương trình kêu gọi, quyên góp từ thiện cho học sinh nghèo hiếu học vùng cao…


“Điều đáng nói hơn là sau cuộc thi, khi đã có danh vị, thì đến “diễn” họ cũng không, chứ nói gì đến làm thật. Hầu hết các thí sinh sau khi đăng quang các ngôi vị, hoặc giành các vị trí cao trong các cuộc thi… đều có cam kết là sẽ tham gia đồng hành cùng cuộc thi, tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội… nhưng đến lúc có hoạt động, tìm được họ cũng thật khó khăn. Rất nhiều người cho BTC địa chỉ giả, hoặc thoái thác rằng đang bận học, gia đình có việc… để không tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội của cuộc thi; trong khi vẫn xuất hiện đều đặn trong các hoạt động nghệ thuật, các chương trình giới thiệu sản phẩm, ra mắt thương hiệu khác”, một đại diện BTC cuộc thi hoa hậu chia sẻ.


Sự bức xúc với việc Hoa hậu, người đẹp “trốn” trách nhiệm xã hội này cũng được chính một lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, chia sẻ: “Các hoa hậu hiện nay thật sự thiếu ý thức, trách nhiệm với xã hội. Họ không nghĩ tới việc đền đáp lại sự tôn vinh của xã hội dành cho mình. Đơn cử như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, sau cuộc thi, chúng tôi đã mời cả Hoa hậu, Á hậu đến Bộ gặp mặt, đã căn dặn, dặn dò các em về trách nhiệm đối với xã hội, rằng: Các cháu có thể nhận hàng trăm triệu để tham gia một hoạt động quảng bá nào đó, nhưng cũng phải biết nhận dăm chục, một trăm của Bộ, của Đoàn TNCSHCM… để tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, đồng hành sau cuộc thi; điều đó mới thể hiện được trách nhiệm, vẻ đẹp của một Hoa hậu, sự tri ân với xã hội, với những người đã giúp mình đăng quang. Lúc ấy, các em còn rất trong trắng, và em nào cũng hứa, cũng thể hiện sự sẵn sàng tham gia. Nhưng phải nói là “sự chuyển biến” của các em nhanh lắm, chỉ sau đó vài tháng, lâu nhất cũng chỉ 6 tháng, là các em đã thay đổi hoàn toàn, tìm được các em để tham gia hoạt động thật sự khó khăn. Điều đó chứng tỏ tác động xã hội với các Hoa hậu, người đẹp rất ghê gớm và khó tránh”.


T.Anh

Bài cuối: Vì thiếu chế tài

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN