Vẽ tranh để sẻ chia niềm tin cuộc sống

Đến với hội họa và nổi tiếng ngay từ khi còn nhỏ, nhưng những phức tạp trong cuộc sống đã khiến họa sỹ Quỳnh Mây (tên thật là Nguyễn Như Quỳnh) không có cơ hội cầm cọ vẽ trong một thời gian dài. Mãi tới khi gần 40 tuổi, Quỳnh Mây mới vẽ tranh trở lại. Chị vẽ tranh để chia sẻ những khoảnh khắc bình yên, chia sẻ niềm tin và tình yêu vào cuộc sống với mọi người.


Chưa từng buông bỏ nghệ thuật

Khi chiêm ngưỡng những bức tranh của họa sỹ Quỳnh Mây, họa sỹ Irere Wood, một giáo viên giảng dạy mỹ thuật ở Launcestron (Anh) đã phải thốt lên: “Thật là một phụ nữ trẻ tài năng! Cô ấy đã hòa quyện giữa màu sắc, hình khối, tình yêu nghệ thuật và cuộc đời một cách kỳ diệu, với những màu sắc hết sức tươi sáng, đáng yêu. Tất cả đều được thể hiện khéo léo với một kỹ thuật cao”.

Họa sỹ Quỳnh Mây.

Không chỉ gây ấn tượng với các du khách nước ngoài, mà những người yêu hội họa Việt Nam cũng rất ấn tượng với 18 bức tranh thiên nhiên trưng bày trong triển lãm “Những khoảnh khắc bình yên” (diễn ra hồi cuối tháng 11/2015 vừa qua) của họa sỹ Quỳnh Mây. Những bức tranh khiến người xem có thể “rung lên từng tế bào”, như được “bay về với thiên nhiên” như nhận xét của họa sỹ Nguyễn Lý Hùng, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội thì nhận xét, mỗi tác phẩm của Quỳnh Mây là một khoảnh khắc kéo dài vô tận của sự bình yên, sự trỗi dậy và sự bất tử của cuộc sống... Còn đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy thì đánh giá, những tác phẩm hội họa của Quỳnh Mây không những chuẩn mực, hấp dẫn về phương diện hội họa, mà xa hơn, hiếm hơn là đã đạt tới những tinh hoa của mỹ học, triết học, bởi vì nó có tư tưởng, nó thức tỉnh và an ủi con người trong những bộn bề của cuộc sống đương thời…

Họa sỹ Quỳnh Mây kể, chị đến với hội họa từ rất sớm. Khi đó chị mới 3 tuổi, thấy anh trai vẽ tranh, cô bé Quỳnh Mây cũng “nằng nặc” đòi được vẽ tranh như anh. Chiều con, ông Nguyễn Như Mai, bố chị cũng cho chị tập vẽ. “Khi đó, nhà nghèo, không dễ có giấy vẽ, bố tôi đã tìm cho tôi những tờ giấy đã in một mặt, thậm chí là những tờ giấy báo để tôi làm giấy vẽ. Rồi bố lại lấy cành tre non đập dập đầu làm bút vẽ cho tôi”, họa sỹ Quỳnh Mây nhớ lại.

Thế rồi, cũng rất vô tình, bố chị mang những bức tranh vẽ chơi của cô con gái mới lên 4 tuổi đi dự thi Triển lãm tranh thiếu nhi Hà Nội, thật không ngờ, tranh đoạt ngay giải A. Cũng bắt đầu từ đó, hàng tuần, Quỳnh Mây được bố đưa đến Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội học vẽ. Và những bức tranh cô vẽ liên tiếp giành được những giải thưởng trong nước và quốc tế. Đó là Huy chương Vàng Shanka Ấn Độ, Huy chương Bạc cuộc thi Để mãi mãi màu xanh của tổ chức FAO… Một số bức tranh như Mẹ và Con, Hai anh em… đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ… Bức tranh Mẹ và con của Quỳnh Mây đã từng được họa sỹ Trần Văn Cẩn dùng làm mẫu để phân tích trong một hội thảo dạy vẽ cho thiếu nhi, và được in làm phụ bản trong sách dạy vẽ của Nhà xuất bản Giáo dục... Quỳnh Mây đã trở thành một “họa sỹ nhí” được nhiều tờ báo thời đó viết bài ca ngợi… như báo Thiếu niên Tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội mới…

Tác phẩm “Xuân”.

Với bảng “thành tích” đáng nể ấy, nhiều người vẫn nghĩ Quỳnh Mây sẽ tiếp tục phát triển năng khiếu cùng tài hoa của mình trên con đường hội họa, nhưng cuộc sống của chị rẽ sang một ngả khác. Sau khi tốt nghiệp Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, chị trở thành họa sỹ của báo Hoa Học Trò và Sinh viên Việt Nam. Cũng từ đây, cái tên họa sỹ Quỳnh Mây dường như không hề xuất hiện trong làng hội họa nữa.

Sau gần 20 năm “mai danh ẩn tích”, khi mà mọi người cho rằng chị đã rời bỏ nghệ thuật vì cuộc sống, thì đến năm 2012, họa sỹ Quỳnh Mây đã vẽ trở lại. Họa sỹ Quỳnh Mây tâm sự, một thời gian dài, chị dành thời gian cho gia đình, con cái, nên chị không có điều kiện vẽ tranh, nhưng chị chưa từng buông bỏ nghệ thuật. “Dù không cầm cọ, nhưng nghệ thuật luôn trong tim tôi. Tôi không cầm bút vẽ, không có nghĩa là tôi rời bỏ nó. Dù không có điều kiện vẽ, nhưng suốt một thời gian dài, tôi vẫn luôn suy nghĩ và học hỏi về hội họa bằng cách đọc, xem và suy ngẫm…”, họa sỹ Quỳnh Mây chia sẻ.

Hạnh phúc giản đơn

Tranh của nữ họa sỹ Quỳnh Mây chủ yếu là về thiên nhiên, hoa cỏ, là những khoảnh khắc bình yên của cuộc sống. Khi ngắm những tác phẩm của nữ họa sỹ Quỳnh Mây, người xem dễ dàng cảm nhận được những thông điệp mà họa sỹ muốn chuyển tải đến người xem, đó là hầu hết các bức tranh chị vẽ, không chỉ đẹp, ấn tượng với người xem, mà nó luôn khiến người xem ngập tràn cảm xúc tích cực, luôn nhìn thấy một tương lai tươi sáng, luôn tìm được điều tốt đẹp giữa đời thường, là những khoảnh khắc bình yên cho tâm hồn.

Tác phẩm “Hửng nắng”.

Đó là một cây dây leo mỏng manh, vẫn kiên cường vươn sau cơn bão để sống, để tìm đến ánh mặt trời (tác phẩm “Vươn lên”). Là một bầu trời rực rỡ, trong trẻo đến vô cùng sau cơn mưa (tác phẩm “Hửng nắng”). Là sức sống mãnh liệt của cây cỏ giữa sỏi đá khô cằn (tác phẩm “Xuân”) hay một buổi sáng mùa đông mà không hề lạnh lẽo (tác phẩm “Đông”)… Những bức tranh của chị luôn tràn đầy niềm tin yêu vào cuộc sống.

Họa sỹ Quỳnh Mây chia sẻ, chị đã từng trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, phức tạp trong cuộc sống. Sau những thăng trầm trong cuộc sống riêng tư, việc cầm cọ vẽ tranh trở lại đã giúp chị giải tỏa rất nhiều. Với chị, hội họa luôn là khát vọng, là chỗ dựa để chị vượt qua mọi biến cố của cuộc đời, hội họa cũng giúp chị tìm lại niềm tin yêu vào cuộc sống. “Tôi vẽ để mở tâm hồn mình, để chia sẻ những khoảnh khắc bình yên, chia sẻ niềm tin và tình yêu vào cuộc sống với mọi người. Tôi cũng hy vọng, những bức tranh của tôi có thể mang lại niềm vui cho nhiều người khi xem tranh”, họa sỹ Quỳnh Mây nói.

Họa sỹ Quỳnh Mây cho biết, trước đây, chị đã từng có thời gian rất chán nản, thất vọng và cảm thấy cuộc sống thật khó khăn. Nhưng rồi, tình yêu và trách nhiệm với các con, lại được sự quan tâm của bạn bè, người thân, chị đã vượt qua được nỗi buồn, đứng lên để làm lại từ đầu. Những lúc mệt mỏi, căng thẳng, chị lại một mình lang thang, hòa mình tìm với thiên nhiên, với cỏ cây, hoa lá… để tìm lại chính mình. Khi thì đến vườn hoa Tây Tựu, khi thì đi dạo trong công viên, khi lại lang thang trên đường phố Hà Nội vào sáng sớm để nghe tiếng thành phố thức tỉnh… Và những khoảnh khắc hòa mình vào thiên nhiên đã chữa lành vết thương tâm hồn, giúp chị tĩnh tâm, tìm lại được niềm tin, niềm vui sống…

Có lẽ bởi đã trải qua rất nhiều đắng cay, thăng trầm của cuộc sống, nên giờ đây, hạnh phúc với nữ họa sỹ Quỳnh Mây thật giản dị. Với chị, hạnh phúc đôi khi chỉ là những khoảnh khắc ngắm nhìn một tia nắng ấm áp, lắng nghe tiếng cười con trẻ cười đùa, thậm chí có khi chỉ là được hít thở bầu không khí trong lành mà thôi.

“Cuộc đời rất ngắn ngủi, ta không nên lãng phí thời gian vào những cảm xúc tiêu cực. Tôi quy những thất bại trong cuộc đời tôi thành những trải nghiệm xấu, và tôi sẽ không chìm đắm trong nỗi buồn hay sự oán hận, mà dành thời gian đó để tìm lại niềm tin, tình yêu vào cuộc sống, chính vì vậy mà tranh của tôi không có tranh buồn, chỉ có niềm tin, có hy vọng, có sức sống mãnh liệt và cũng có những khoảnh khắc bình yên…”, họa sỹ Quỳnh Mây tâm sự.
Phương Lan
Cơ duyên đến với hội họa bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám
Cơ duyên đến với hội họa bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám

Nổi tiếng với phong cách tranh cổ động rất riêng, năm nay hơn 80 tuổi, họa sĩ Trường Sinh, đã có cả nghìn bức tranh, trong đó có rất nhiều bức khẳng định tên tuổi ông trong lòng công chúng như: “Nixon phải trả nợ máu”; “Khải hoàn môn của học thuyết Nixon”; “Thừa thắng xông lên”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN