Hội họa từ chất liệu miệt vườn

Họa sĩ Đỗ Năm, năm nay 76 tuổi. Ông sinh trưởng ở châu thổ sông Hồng, theo hội họa ở tuyến lửa miền Trung thời Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và rồi gắn bó với ĐBSCL hơn ba mươi năm nay.

Ba mươi nhăm năm họa sĩ sống với Phương Nam là một cuộc hành trình tìm chất liệu sáng tác từ đất Phương Nam. Bài viết này xin nhắc tới những khám phá sáng tạo của ông với chất liệu hội họa miệt vườn làm nên sức sống sinh động của tác phẩm.

Họa sĩ Đỗ Năm lên tranh dừa nước Cầu Cần Thơ.


Tranh hạt ngũ cốc

Hành trình tìm tòi chất liệu sáng tạo tác phẩm của họa sĩ Đỗ Năm được bắt đầu từ 1986.

Tác phẩm: Người cầm lái vĩ đại.



Mối duyên cho cuộc khởi đầu kết quả chính là quá trình họa sĩ thâm nhập lịch sử chiến thắng Tầm Vu. Người miệt vườn cầm súng tạo chiến công vang dội lịch sử vẫn cần mẫn cấy trồng thu hoạch trên đất chiến tích. Họa sĩ nẩy ra ý dùng kết quả của những đôi tay gieo trồng kia (hạt ngũ cốc và hạt rau màu) thể hiện chiến công của chính đôi tay ấy cầm súng trường mã tấu tầm vông. Ông dùng 13 loại hạt là thóc, gạo, nếp cẩm, hạt đậu trắng đậu đỏ, mẻ trắng mè đen, hạt é… ghép tranh Chiến thắng Tầm Vu anh hùng. Tác phẩm được tặng thưởng Huy chương Bạc trong Triển lãm Nghệ thuật Thủ công Mỹ nghệ toàn quốc năm 1986, hiện nay được trưng bày ở Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội.

Các loại tranh trái cây khô

Cùng với thành công tranh ghép từ các loại hạt lương thực thực phẩm, Đỗ Năm có tranh chạm khắc từ trái cây khô.

Tranh Đua ghe ngo, một sinh hoạt văn hóa của người Khmer Nam Bộ được UNESCO vinh danh văn hóa phi vật thể. Tác phẩm Đua ghe ngo làm từ trái cây còng - loại trái dài khoảng 50 cm bản rộng chừng 4 cm, 5 cm, khi già trái khô cong cong như… cái ghe ngo. Họa sĩ chỉnh sửa vỏ trái còng hình dáng ghe ngo, khắc 50 cặp tay đua ra chèo bay trên kinh rạch. Đua ghe ngo cùng dự triển lãm với tranh Chiến thắng Tầm Vu anh hùng nói trên, được tặng thưởng Huy chương Đồng.

Miệt vườn đó đây xuất hiện những nông phẩm để trưng bày lễ Tết giá trị như: Bưởi hồ lô, dưa đỏ hồ lô, dưa thỏi vàng, bầu rượu hồ lô... Họa sĩ Đỗ Năm làm ra Tranh Hồ lô trống đồng. Ông lấy trái bầu khô khắc tranh những trống đồng, chim lạc, chú tễu, hứng dừa, đu bay… phủ dầu hóa chất để đời có những bầu hồ lô nghệ thuật.

Tranh dừa khô là sự “tận dụng” nguyên liệu từ sau thu hoạch làm tác phẩm nghệ thuật. Trái dừa khô được khoét đáy, rút lấy cơm và rút cả vỏ sọ dừa ra giữ lớp xơ vỏ, nguyên dáng trái, phơi khô kiệt để chạm khắc hình ảnh rồi phủ dầu bóng. Tranh trái dừa khô là tranh tam diện. Tùy cảm hứng sáng tạo ra ba tranh liên hoàn quanh vỏ trái xoay tròn hình tượng vào hồn người chiêm ngắm.

Tượng gỗ quao, gỗ sầu riêng

Tới nhà Đỗ Năm sẽ càng cảm phục lão nghệ sĩ “thất thập cổ lai hi” hì hục đẽo đục tượng gỗ. Ông bảo ông có duyên mới được sống ở xứ có những cây “của nghệ thuật tranh tượng”. Ấy là bên cây thị, cây mít có cây quao, cây sầu riêng gỗ mềm, mịn, dẻo, không bị mối mọt. Từ gỗ quao, gỗ sầu riêng, Đỗ Năm tạo lên loạt tượng nhân dân anh hùng và Bác Hồ - Người cầm lái vĩ đại.

Tranh dừa nước

Chất liệu mới nhất mà họa sĩ Đỗ Năm “tìm thấy” là một loại cây rất thông thuộc cây dừa nước. Dừa nước mọc khắp ĐBSCL, mọc thành rừng ở U Minh. Dừa nước giữ đất, dừa nước lợp mái dựng vách nhà, củi dừa khô hồng bếp núc, đuốc lá dừa sáng soi, quầy trái và cổ hũ dừa nước ngon lành… Họa sĩ Đỗ Năm lấy dừa nước làm tranh. Ông lựa những tàu lá đã già, tàu lá phát triển khỏe mạnh đều đặn xanh mượt mà “nâng như nâng trứng” về nhà róc lấy lá và sống lá. Những phiến lá xanh được phơi thiếp đi ánh bạc. Những cọng dừa phải phơi kỳ công không để nắng chiếu mất đi cái sắc độ màu tự nhiên của sống lá mới ra được tranh dừa nước đặc trưng. Có được nguyên liệu thì tạo tác phẩm. Cắt xén ra kích cỡ để kết dán phối hợp đường nét màu sắc lên tranh và phủ dầu hóa chất làm láng đẹp và giữ tác phẩm sống mãi.

Tranh dừa nước đầu tay Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành đầu xuân 2015. Họa sĩ đang lên tranh dừa nước Cầu Cần Thơ.

Bài và ảnh: Lương Minh Hinh
Chân dung 4 họa sĩ biếm họa bị bắn chết
Chân dung 4 họa sĩ biếm họa bị bắn chết

Một vụ xả súng đẫm máu đã diễn ra tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. Trong số 12 người thiệt mạng trong vụ tấn công, có tổng biên tập tờ báo Stephane Charbonnier cùng 3 họa sĩ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng Wolinski, 'Tignous' và Cabut.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN