“Vé một lượt” cho nhiều lượt trên con đường Đồng Mậm

Buổi toạ đàm ra mắt tập thơ "Vé một lượt", kết hợp đấu giá các tác phẩm văn học-nghệ thuật nhằm gây quỹ ủng hộ việc làm đường tới trường cho học sinh tại điểm trường Đồng Mậm-trường tiểu học Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) của nữ sĩ đã quá quen thuộc với "thơ đàn" - nhà thơ Đoàn Ngọc Thu chiều 16/5 tại Hà Nội thật là "ấm cúng" mà cũng vô cùng "mát lành".


Ấm cúng bởi tấm lòng của nữ sĩ và những người tham gia chương trình. Mát lành bởi con số 200 triệu đồng thu được từ đấu giá các vật phẩm và được quy ra "giờ máy xúc" cho con đường tới trường của những học sinh Đồng Mậm.


Những vật phẩm được đấu giá tại chương trình.

Bên cạnh niềm đam mê chưa từng ngừng nghỉ dành cho thơ ca, niềm đam mê với những tác phẩm hội hoạ, với những sản phẩm gốm sứ như bình hoa, bát, đĩa gốm... của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu- Phó Tổng biên tập báo điện tử Vietnam Plus (Thông tấn xã Việt Nam) cũng thật sự lớn lao. Cộng với đó, là tình bạn lâu năm của nhà thơ với những hoạ sĩ, phần lớn đều có tên tuổi trong làng hội hoạ Việt Nam và cũng phần lớn đều "gắn" với thơ của chị. Vì thế, "gia tài" của bạn bè nhà thơ mang đến với cuộc đấu giá thật sự là độc đáo. Đó là hơn 100 đồ gốm, tranh và bộ sưu tập tiền cổ của họa sĩ Bùi Hoài Mai; bình gốm độc bản làm tay thiết kế bởi họa sỹ Lê Thiết Cương; tranh sơn dầu của họa sỹ Tào Linh, Trịnh Tú, tranh màu "Hoa Sưa" của họa sĩ Trịnh Thị Nhã cùng với sách tranh có chữ ký tác giả... Rồi tập thơ "Giỏ hoa Thời mới lớn" có chữ ký của nhà thơ Du Tử Lê; cuốn "Điệp viên hoàn hảo" của tác giả Lary Berman có chữ ký của tác giả.... cùng nhiều tác phẩm hội họa, gốm sứ, thủ công của các nhà văn, thơ, họa sĩ, nghệ nhân, nhà sưu tập...Trung tâm Khuyết tật Thương Thương cũng mang tới những sản phẩm thủ công của mình.


Toàn bộ những sản phẩm ấy đã được bán hết ngay tại buổi đấu giá và số tiền thu được là khoảng 200 triệu đồng. Ngay lập tức, số tiền này đã được đại diện các văn nghệ sỹ trao tận tay cho đại diện xã Sơn Hải- cũng góp mặt trong buổi toạ đàm và đấu giá.

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu (ngoài cùng bên phải) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Số tiền 200 triệu thu được trong buổi đấu giá đã được trao cho đại diện thôn Đồng Mậm ngay sau khi buổi đấu giá kết thúc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.


Nằm giữa lòng hồ Cấm Sơn, thôn Đồng Mậm (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) gồm 4 khu: Đồng Mậm, Suối Khoan, Thùng Thình và Bên Sông. Mỗi khu là một ốc đảo nằm giữa mênh mông sóng nước, phương tiện đi lại duy nhất của những người dân nơi đây là bằng thuyền. Trẻ em đi học, người lớn đi chợ, đi khám bệnh, đi làm nương... tất cả đều gắn liền với sông nước.


Cả thôn Đồng Mậm chỉ có một điểm trường dành cho học sinh ở 4 ốc đảo. Trường lại không có chỗ cho các em ở bán trú, nên các học sinh cứ sáng đi, tối về. Vì không có đường bộ, nên trừ những em học sinh sống ở khu Đồng Mậm, còn các em học sinh nhà ở Suối Khoan, Thùng Thình, Bên Sông ngày ngày đều phải chèo thuyền đến lớp. Hôm nào trời mưa, gió rét, sương mù dày đặc, các em đánh cược cả tính mạng của mình để đổi lấy con chữ.


Có mặt trong buổi đấu giá nhằm quyên góp tiền làm đường chiều nay, Giáp Văn Đạt, học sinh lớp 3E của trường kể: “Ngày nào cháu và một chị học lớp 5 ở gần nhà cũng phải tự mình chèo thuyền đến trường học. Thuyền nhỏ, nước tràn vào, hai chị em cháu thay nhau, người chèo thuyền, người lấy ca tát nước ra. Nhiều hôm trời mưa, phải tát nước nhiều, mỏi tay và mệt lắm. Hôm nào mưa to, có gió thì sợ thuyền bị lật, cháu sợ lắm”.


Ngày nào hai chị em Giáp Thị Thúy Lan và Giáp Văn Đạt cũng thay nhau, người chèo thuyền, người lấy ca tát nước ra để đến lớp. Ảnh: Phương Lan.


Khó khăn là vậy, nên ước mơ lớn nhất của người dân Đồng Mậm là có một con đường để đi lại đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Chính quyền và người dân Đồng Mậm dù đã quyết tâm mở con đường dân sinh dài khoảng 16 km, nối Đồng Mậm, Suối Khoan qua thôn Đấp, nhưng huy động mãi mà kinh phí vẫn không đủ. "Ban đầu, xã định huy động sức dân trong thôn, nhưng thấy làm thủ công quá lâu, quá vất vả, nên đã thuê máy xúc ủi đến để mở đường. Tiền thuê máy xúc là 450.000 đồng/tiếng. Với 16 km, kinh phí dự tính cần khoảng hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hoàn toàn dựa vào quyên góp, nhưng thôn Đồng Mậm có tới trên 90% hộ nghèo, nên việc quyên góp đang gặp rất nhiều khó khăn", ông Giáp Văn Phụ, Bí thư thôn Đồng Mậm cho biết.


Con đường ở thôn Đồng Mậm đang dang dở. "Tấm lòng vàng của nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu cùng các nghệ sỹ trong buổi đấu giá từ thiện sẽ giúp con đường sớm được hoàn thành. Ảnh: Phương Lan.

 

Và đó chính là lý do vì sao những món đồ bán đấu giá đều được nhà thơ Đoàn Ngọc Thu "quy ra" thành giờ máy xúc. Những giờ máy xúc của những tấm lòng vàng ấy sẽ giúp con đường sớm được hoàn thành, để bước chân các em nhỏ Đồng Mậm tới trường sẽ đỡ phần vất vả... Ý nghĩa là thế của "Vé một lượt", của người nữ sĩ cho biết sẽ không dừng ở đây việc mang thơ mình đi làm từ thiện giúp đỡ những số phận còn thiệt thòi trong cuộc sống...


“Vé một lượt” là tập thơ thứ 5 của nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu, phát hành cuối năm 2013. Đến đầu năm 2014, tập thơ đã được giới thiệu trong Ngày thơ Việt Nam. Khi đọc “Vé một lượt”, những người yêu thơ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ hiện đại có nhiều nỗi trăn trở về cuộc đời, về tình người... “Người ta gặp ở đó những tâm sự rất đàn bà trong một xã hội hiện đại. Tác giả thể hiện một cách cảm rất riêng về đời sống. Chị viết về tình yêu, tình mẫu tử, những suy ngẫm đời sống trên một nền chung là nỗi buồn thế sự", nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.


Phương Hà- PV

Nhọc nhằn Đồng Mậm - Bài cuối: Mong điện, mong đường
Nhọc nhằn Đồng Mậm - Bài cuối: Mong điện, mong đường

Có điện, có đường là mong mỏi, khát khao của người dân thôn Đồng Mậm bao đời nay. Nhưng để những mong ước này thành hiện thực, có lẽ là cả một chặng đường dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN