Nhọc nhằn Đồng Mậm - Bài cuối: Mong điện, mong đường

Có điện, có đường là mong mỏi, khát khao của người dân thôn Đồng Mậm bao đời nay. Nhưng để những mong ước này thành hiện thực, có lẽ là cả một chặng đường dài.

 

6 giờ chiều, nhưng ở xóm núi này, trời đã tối mịt, không còn nhìn thấy mặt người. Mọi nhà đều đã phải thắp đèn dầu để ăn cơm. Trong ánh đèn dầu tù mù, vợ chồng ông Bế Văn Gầy (khu Suối Khoan) ăn vội bát cơm canh đạm bạc, để rồi đi ngủ sớm. Mong muốn lớn nhất của ông bà là làm sao để người dân trong thôn có được một con đường bộ để có thể thuận tiện đi lại từ đây sang xã và đi các thôn xóm khác. Mong nữa là có nguồn điện để cho nhà cửa sáng sủa, để sinh hoạt của bà con dễ dàng hơn, và còn để cố mua cái ti vi mà xem, chứ từ xưa tới nay, đã khi nào được xem ti vi…


 

Có đường, có điện là mong muốn của người dân Đồng Mậm.
Ảnh: Phương Lan

 

Đã trên 70 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Vi Văn Côi ở bên Suối Khoan không có mong ước gì nhiều, chỉ mong có một con đường cho các cháu đi học, có đường để có thể kéo điện về thôn. Ông Côi tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tuổi già chúng tôi bây giờ làm sao được con đường cho các cháu đi lại nó dễ dàng, thuận tiện qua lại với xã xung quanh. Thứ hai là có điện thắp sáng để chúng tôi không còn phải chịu cảnh tù mù như bây giờ nữa”.


Còn bà Giáp Thị Tỉnh, ở Suối Khoan thì mong có điện cho sáng, mong có đường để các cháu đi học hành cho dễ, và còn để các phương tiện đi lại dễ dàng vào Đồng Mậm để mua, bán hàng. “Chứ như bây giờ, có hàng hóa muốn bán cũng khó, bán được thì rẻ quá, chúng tôi thiệt lắm”.


Có điện, có đường cũng là mong ước của các thầy cô giáo ở điểm trường Đồng Mậm. Cô giáo Luân Thị Thêu tâm sự: “Mong ước lớn nhất của giáo viên chúng tôi ở đây là có con đường để các thầy cô và các em học sinh đến trường đỡ vất vả, đảm bảo an toàn. Chứ nhiều hôm mưa gió rét mướt, có em xuống thuyền rồi bị ngã xuống hồ, ướt hết, quần áo bẩn, tôi thấy thương và lo cho các em lắm. Chúng tôi cũng mong có điện thắp sáng để việc giảng dạy cũng như học tập của các em được tốt hơn".


Giáp Thị Thúy Lan, học sinh lớp 5 ở điểm trường Đồng Mậm thì mong ước: "Cháu mong có đường đi học, để cháu không phải đi thuyền, không phải tát nước mỏi tay, và không sợ rơi xuống nước ạ".


Trao đổi với ông Giáp Hồng Đăng, Bí thư xã Sơn Hải, chúng tôi được biết, dù Nhà nước có chính sách di dân nhưng chỉ với mức hỗ trợ 10 triệu đồng cho 1 hộ, số tiền ấy cũng chỉ đủ bà con sống 2-3 tháng, nói gì đến mua đất, làm nhà, đảm bảo đời sống cho bà con. Chính vì thế mà bà con dù rất muốn cũng không thể di dân ra bên ngoài, mà vẫn bám trụ lại ở đây.


Nhận thấy việc mở đường là nhu cầu chính đáng của người dân Đồng Mậm, nên trong chương trình chuẩn bị xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã quyết tâm mở con đường dân sinh nối Đồng Mậm, Suối Khoan qua thôn Đấp. Mục đích thứ nhất là để các cháu học sinh đi học cho dễ dàng, yên tâm hơn. Và thứ hai, là để cho bà con đi lại giao dịch giữa trong thôn và với xã. Bởi nếu không có con đường này thì người dân trong thôn chỉ đi qua phía Lạng Sơn chứ không qua phía Lục Ngạn được. Con đường dài khoảng 16 km. “Ban đầu, xã định huy động sức dân trong thôn, nhưng thấy làm thủ công như thế quá lâu, quá vất vả, nên chúng tôi đã thuê máy xúc ủi đến để mở đường. Với 16 km, chúng tôi dự tính phải cần khoảng hơn 1 tỷ đồng mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hiện tại hoàn toàn dựa vào quyên góp nên đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Giáp Hồng Đăng cho biết.


Chia sẻ với chúng tôi, anh Giáp Văn Phụ, Bí thư chi bộ thôn Đồng Mậm cho biết: “Bà con trong thôn chúng tôi mong muốn có con đường này thật sự cũng lâu lắm rồi, thế nên khi nói chuyện mở đường, các hộ gia đình trong thôn ủng hộ lắm. Đường mở phải đi qua 11 hộ, đi qua cả ruộng, vườn nhà bà con, nhưng các gia đình đều đồng ý hiến đất. Chỉ còn khó về kinh phí thuê máy xúc. Vừa rồi chúng tôi đã họp chi bộ, bà con trong thôn dù khó khăn, nhưng cũng đồng ý mỗi gia đình góp 1 tiếng thuê máy xúc (450.000 đồng/hộ). Nhưng như thế, trên 100 hộ thì cũng chỉ được khoảng 45 triệu đồng, không thấm vào đâu so với số tiền hơn 1 tỷ”, anh Phụ lo lắng nói.


Được biết, xã huy động mỗi hộ dân trong thôn đóng góp 1 tiếng thuê máy (450.000 đồng). Cán bộ giáo viên huy động 1 ngày, cá nhân ông Đăng, Bí thư xã cũng bỏ tiền túi ủng hộ người dân thôn Đồng Mậm 10 tiếng thuê máy xúc. “Xã chúng tôi đã vận động giáo viên, cán bộ xã, các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn, các nhà hảo tâm ủng hộ một chút tiền để mở đường đi. Tuy nhiên, việc huy động vốn đang gặp khó khăn, bà con trong thôn 90% hộ nghèo, huy động khó. Các hộ gia đình nào có trước, nộp trước, gia đình nào chưa có cho nộp sau. Thôi thì có đến đâu thì sẽ làm đến đấy” - ông Giáp Hồng Đăng cho biết.


Việc làm đường đang được tiến hành, người dân trong Đồng Mậm rất hy vọng con đường sớm được hoàn thành. Vì có đường thì họ đi lại đỡ vất vả hơn, có đường thì điện được kéo vào sớm hơn, họ sẽ không phải sống trong cảnh tăm tối… Nhưng con đường đang đứng trước nguy cơ tạm dừng giữa chừng vì số tiền vận động được chưa đủ để hoàn thành. Rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, cần những “tấm lòng vàng” của các nhà hảo tâm hỗ trợ để con đường sớm hoàn thành, để cuộc sống của người dân Đồng Mậm đỡ cơ cực hơn.


“Con đường thì vẫn dở dang, còn điện thì không biết đến bao giờ mới có. Trước đó, Sở Điện lực Bắc Giang đã có chương trình kéo điện, nghe nói dự án đến 2014 sẽ thi công. Tuy nhiên, hiện đang có vướng mắc, không biết là kéo đường hạ thế hay trung thế. Trong trong đề án của Sở Điện lực dự định kéo đường hạ thế, tuy nhiên, chúng tôi tham khảo ý kiến thấy nói phải kéo đường trung thế mới đáp ứng được. Nếu là đường điện hạ thế sở điện lực làm thì có lẽ sẽ dễ hơn, nhưng nếu là đường trung thế phải hạ trạm, lại cần có chính sách từ UBND tỉnh, từ Nhà nước, nên Đồng Mậm vẫn chưa biết bao giờ mới có điện”, ông Giáp Hồng Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải cho biết. 


Phương Lan - Trần Toản

Nhọc nhằn Đồng Mậm - Bài 2: Sống cùng “ba không”...
Nhọc nhằn Đồng Mậm - Bài 2: Sống cùng “ba không”...

Không chỉ các giáo viên và học sinh vất vả, mà cuộc sống của những người dân thôn Đồng Mậm cũng vô cùng cực khổ khi phải sống trong cảnh 3 không: Không điện, không đường và không trạm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN