Về Đông Loan - Bắc Giang nghe 'nói tức'

Đã nghe nhiều về làng “làm người khác phát cáu khi nói chuyện” ở Đông Loan, Yên Dũng, Bắc Giang nhưng đến hôm nay, chúng tôi mới có dịp chứng kiến “môn nghệ thuật nói tức” đã làm nên tiếng tăm cho mảnh đất này.

Mặc dù cái tên Đông Loan nay chỉ còn vang bóng nhưng nghệ thuật nói tức Đông Loan thì chưa bao giờ bị mai một, thậm chí ngày càng đậm đà hơn, cao cấp hơn. Vì thế người dân nơi đây ai cũng biết tới câu ca “Đông Loan nói tức để chơi. Người nghe vừa bực, vừa cười, vừa khen”. Câu ca dao ấy để nói lên rằng “nói tức” đã trở thành nét văn hóa sinh hoạt hiện hữu trong cuộc sống thường ngày của người dân nơi này. Bất cứ nơi đâu, làm gì, bất cứ không gian thời gian nào, người dân Đông Loan cũng có thể nói tức một cách tự nhiên như chính sự chất phác giản dị trong cuộc sống lao động của họ.

Không ai biết được cụ thể nói tức ở Đông Loan có từ khi nào, xuất phát từ đâu. Nhưng người dân nơi đây đều cho rằng vùng đất Đông Loan xưa là vùng đồng chiêm trũng, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã tràn bờ, cuộc sống của người dân lao động cực kỳ vất vả, khó khăn. Chính sự vất vả ấy khiến người dân phải tự nghĩ ra cách để làm cho tan biến, bớt đi phần nào sự mệt nhọc, để con người khuây khỏa đầu óc và yêu lao động hơn. Cũng từ đấy mà họ trêu tức nhau để cười. Cứ như vậy, nói tức đã trở thành đặc sản tinh thần khi nào không hay, không nói tức thì không phải người Đông Loan.

Nói chuyện với người Đông Loan mới thấy được nghệ thuật nói tức đã thấm vào máu, suy nghĩ và vào từng những câu nói bình dị nhất của người dân nơi đây. Chúng tôi tìm đến nhà ông Chu Văn Nghĩa, Phó Bí thư chi bộ thôn Đông Thượng, đến cổng nhà ông tôi cất tiếng hỏi: Bác Nghĩa có nhà không ạ?, ông Nghĩa liền đáp: “Nhà to đùng thế này lại còn phải hỏi có hay không”. Vào trong nhà, ông Nghĩa rót chén trà mời khách, tôi nhanh miệng hỏi tiếp: “Mình là làng quê mà nhà nào cũng có số nhà như ở thành phố bác nhỉ”, ông Nghĩa đáp lại: “Các cô nhìn chưa biết sao lại còn phải hỏi”. Thấy chúng tôi nhìn nhau không nói gì ông Nghĩa vừa cười vừa tiếp lời: “Mới nói thế các cô đã thấy tức rồi sao?”.

Ông Nghĩa cho biết: Người dân Đông Loan nói tức khiến người đối diện bực mình phát cáu nhưng lại tâm phục khẩu phục, người nào nói tức mà người đối diện không thể đáp trả lại được thì đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật này ở Đông Loan.

Khác với nghệ thuật nói tức ở những vùng quê khác, nói tức ở Đông Loan mang một đặc điểm riêng, đó đều là những câu chuyện thật đặt trong những hoàn cảnh thật, phản ánh mọi ngõ ngách trong cuộc sống sinh hoạt của người dân. Không chỉ nói tức người đối diện, ở Đông Loan người ta còn nói tức cả những con vật nuôi trong gia đình, nói tức cả những đồ dùng sinh hoạt và cũng chưa nơi nào con cháu lại dám nói tức bố mẹ, ông bà như ở Đông Loan. Ví như câu chuyện nói tức chó, gà sau: “Khách vào, chủ nhà cứ ngồi bó gối trên trường kỷ, không ra xua chó, cũng không ra đón khách. Ngoài sân mới mưa xong con chó cứ ở trong nhà sủa ra. Ông chủ quát:- Ra ngoài sân mà sủa, có sợ lấm chân thì dép đây tao cho mượn”. Hay câu chuyện: “Gà đẻ xong cứ dác om tỏi. Ông này vợ vừa đẻ đang cần giữ im lặng, thấy gà dác điếc tai, liền quơ ngay hòn đất ném: "Không biết ruốc, đẻ xong ai chả vừa đau vừa rát, vợ tao thì nằm im, mày sao cứ phải kêu nhặng lên thế?”.

Tuy nhiên, nói tức Đông Loan là lối nói tức có đầu đuôi, câu nói tức được chốt chặt chẽ vào một câu chuyện hoàn chỉnh vì thế mà nói tức nhưng lại khá logic và hợp lý, phản ánh phần nào sự nhạy cảm, nhanh nhẹn của người dân. Nói tức ở đây còn thể hiện sự đối ứng thông minh, sắc sảo, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà đưa ra những câu nói tức dí dỏm, hợp lý nhằm mục đích để chỉnh câu từ, lời nói của người đối diện cho được chuẩn, được gãy góc chứ không mang tính hiềm khích. Chính vì thế người Đông Loan nói tức nhưng lại kèm theo một thái độ vui vẻ, cởi mở và hài hước. Giọng nói của người Đông Loan xưa, của người Đông Thượng nay được đánh giá là chất giọng địa phương mang tính chất nặng tiếng nhưng lại chuẩn âm không lẫn với bất cứ vùng nào, vì thế nói tức vùng Đông Loan lại có sự hấp dẫn riêng.

Theo sự phát triển không ngừng của thời gian, nghệ thuật nói tức ở Đông Loan ngày càng tinh vi hơn, có nghệ thuật hơn. Người dân Đông Loan nói tức mang tính thời sự, cập nhật liên tục và vận dụng khéo léo những vấn đề cấp thiết, nóng bỏng của xã hội do đó cũng đòi hỏi trình độ nói tức cao hơn so với trước kia. Có thể kể tên một số cây nói tức ở Đông Loan như ông Hoàng Văn Thuận, Chu Thế Tân, Chu Văn Nam, Bùi Văn Bắc...

Một trong những “bảo tàng sống” của nét văn hóa nói tức ở Đông Loan là cụ Bùi Thị Giảng năm nay đã gần 90 tuổi. Mặc dù đã ở cái tuổi chân chậm mắt mờ nhưng cụ vẫn nhớ như in những bài vè của ông cha ngày xưa đặt. Theo trí nhớ của cụ Giảng, ông cha Đông Loan xưa đặt hàng trăm, hàng nghìn bài vè khác nhau, nhằm phê phán chế độ phong kiến nửa thuộc địa cũng như phê phán bè lũ cướp nước của dân tộc Việt. Từ những bài vè ấy nghệ thuật nói tức Đông Loan cũng được sản sinh. Đến nay, vẫn còn hàng trăm câu chuyện nói tức được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thậm chí có câu chuyện nói tức ở Đông Loan cũng được dị bản hay lý giải khác nhau như câu chuyện Ông cốc quá đà, Nói láo, Xem chuột lột, Vải ô, Áo quan, Ngỡ trâu ra… Nhiều truyện nói tức có ý vị hài hước đậm đà cũng tiêu biểu cho phong cách châm chọc Đông Loan như: Cái ngồi cái đứng, Không ạ, Sắn và buông….

Cụ Giảng chia sẻ: “Nói tức đó là cả một nghệ thuật, ít nhiều chất chứa cái triết lý nhân sinh của người đời. Nói chung, nói cho người khác tức nhưng phải dựa trên cách chiết tự, tạo sự bất ngờ ở người đối thoại, nghệ thuật cao là không được dông dài, chỉ cần nói ra một câu mà người đối diện cứng họng mới gọi là tài tình”.

Đến nay, nghệ thuật nói tức ở Đông Loan chưa được ghi chép thành một văn bản, những câu chuyện nói tức ở Đông Loan cũng chưa được tuyển tập hay sưu tầm nhưng bất cứ ai đặt chân tới làng Đông Thượng ngày nay cũng được thưởng thức ngay đặc sản tinh thần này.

Rời mảnh đất Đông Loan, chúng tôi ai cũng cảm nhận thấy cuộc sống thị trường đang dần len lỏi vào mảnh đất bình yên này. Nhưng dường như cuộc sống thị trường càng trở nên tấp nập, xã hội càng nhiều bộn bề lo toan lại trở thành chất xúc tác lớn để nghệ thuật nói tức Đông Loan càng phát triển hơn. Như sự phát triển tự nhiên trong các quy luật, nói tức ở Đông Loan đã, đang và sẽ là một đặc sản, một vị thuốc tinh thần quý báu độc đáo của người dân nơi này.


Đồng Thúy
Độc đáo những ngôi nhà cổ ở làng Nha Xá
Độc đáo những ngôi nhà cổ ở làng Nha Xá

Làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vốn được biết đến với nghề dệt lụa truyền thống. Tuy nhiên, không chỉ nổi tiếng về lụa, ngôi làng này còn tự hào về những ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiến trúc Pháp độc đáo có tuổi đời cả trăm năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN