Tại Chương trình, Ban Tổ chức tiếp nhận gần 2 tỷ đồng của trên 20 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp.
Tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, để góp phần tri ân những cống hiến của cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu cho “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh đã thống nhất dành quỹ đất 11.300m2 tại ấp Cây Da, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (quê hương của cố soạn giả) để xây dựng Khu lưu niệm về cố soạn giả.
Theo thiết kế, Khu lưu niệm gồm 16 hạng mục chính: cổng chính, biểu tượng đàn tranh, tượng cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, khu nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp cố soạn giả, khu nhà trưng bày “Đờn ca tài tử cải lương”, nhà biểu diễn... và các hạng mục khác. Tổng kinh phí xây dựng công trình khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2024- 2025.
Để có kinh phí thực hiện công trình trên, UBND tỉnh Trà Vinh đã thành lập Ban Vận động gây quỹ xây dựng Khu lưu niệm của cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu nhằm huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các tổ chức cá nhân, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh chung tay cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng thành công công trình.
Cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu tên thật Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21/10/1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú (nay là huyện Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh. Ông là danh cầm đàn tranh và được cho là người đã khai sinh ra thể loại cải lương tân cổ giao duyên. Ông có trên 50 vở cải lương và hơn 2.000 bản vọng cổ được các Đoàn cải lương dàn dựng, biểu diễn, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trình bày, in ấn phát hành trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều tác phẩm sống mãi trong lòng khán giả mộ điệu và giới văn nghệ sĩ, như “Tình anh bán chiếu”, “Sầu vương ý nhạc”, “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”, “Lá trầu xanh”, “Hàn Mặc Tử”, “Tần Quỳnh khóc bạn”, “Kiếp cầm ca”…
Những đóng góp của cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu trong lĩnh vực nghệ thuật đã góp phần quan trọng trong việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về thể loại đờn ca tài tử Nam Bộ. Nghệ thuật này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013, được bảo vệ ở cấp độ quốc tế. Cố soạn giả Viễn Châu được Nhà nước phong tặng các danh hiệu: Nghệ sĩ Ưu tú (năm 1988), Nghệ sĩ Nhân dân (năm 2012); được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho những đóng góp xuất sắc đối với “ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”.