Ngoài ra, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam còn trao 3 giải Nhì A, trị giá 30 triệu đồng/giải, 8 giải Nhì B, mỗi giải 24 triệu đồng và nhiều giải thưởng khác cho các công trình văn nghệ dân gian có giá trị.
Tổng giá trị các giải thưởng là 687 triệu đồng.
Nhân dịp này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng tổ chức phong tặng danh hiệu cho 3 nghệ nhân dân gian gồm: Nghệ nhân Vương Văn Tạo, sinh năm 1951 và nghệ nhân Phan Thị Lý, sinh năm 1966 đều là nghệ nhân truyền dạy và gìn giữ Hò cửa đình và múa hát bài bông, thuộc xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến sinh năm 1953, nghệ nhân hát Then, đàn tính trú tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, năm 2018, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận được 67 công trình với chủ để của cả 5 hội đồng chuyên ngành. Trong đó, có 42 công trình được hội đồng đưa vào chấm giải, trong đó Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian có 17 công trình; phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa dân gian lầ 14 công trình; Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian 3 công trình; Nghệ thuật tạo hình dân gian 3 công trình; Nghệ thuật biểu diễn dân gian 5 công trình.
Theo đánh giá của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, năm 2018, số lượng tác phẩm Hội nhận được ít hơn so với mọi năm, nhưng chất lượng các công trình lại có một bước tiến bộ lớn. Tức là chuyển từ nhiệm vụ có tính chiến lược là sưu tầm sang nghiên cứu để giải mã được những tinh hoa, thậm chí là phương pháp tư duy của cổ nhân để lại. Những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã có đóng góp rất lớn trong việc làm nổi bật tinh hoa văn hóa hàng ngàn năm mà cha ông để lại, là cơ sở để các thế hệ sau này tiếp tục nghiên cứu, phát triển.