Trưng bày các
bản in đầu, các bản in quan trọng, của các tác phẩm trong tủ sách “Việt Nam danh
tác” do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, sẽ diễn ra ngày
18/12/2014, tại Hà Nội. Chương trình diễn ra đến hết ngày 22/12.
"Gió đầu mùa" của Thạch Lam. |
Việc trưng bày
“Những cuốn sách Vang bóng một thời” nhằm giúp các nhà nghiên cứu, các bạn độc
giả quan tâm đến bộ “Việt Nam danh tác” có dịp tiếp xúc với những ấn bản đầu
tiên, những ấn bản tiêu biểu qua nhiều thời kỳ cũng như các bản đặc biệt và tư
liệu liên quan đến các cuốn sách trong bộ "Việt Nam danh tác".
"Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng. |
Trong số các ấn
bản gốc có mặt tại cuộc trưng bày, có thể kể đến các ấn bản tiêu biểu: “Vang
bóng một thời” (Nguyễn Tuân), ấn bản đầu năm 1940, Tân Dân ấn hành và “Vang và
bóng một thời”, serie truyện được đăng trên tạp chí Tao Đàn 1939; “Tôi kéo xe”(Tam
Lang), ấn bản đầu, năm 1935, do Mai Lĩnh xuất bản; “Việc làng” (Ngô Tất Tố), ấn
bản đầu, năm 1940, do Mai Lĩnh xuất bản; “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), ấn bản năm
1939 do Mai Lĩnh xuất bản; “Lều chõng”
(Ngô Tất Tố), Mai Lĩnh xuất bản năm 1941; “Hồn bướm mơ tiên” (Khái Hưng),
Đời Nay ấn hành, ấn bản đầu; “Kép Tư Bền” (Nguyễn Công Hoan), ấn bản năm 1935
do Tiểu thuyết thứ Bảy xuất bản; “Hà Nội băm sáu phố phường” (Thạch Lam), ấn
bản đầu năm 1943, do Đời Nay xuất bản; “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng), bản đặc biệt
in năm 1946, bản in lần 2, do Minh Đức ấn hành, “Miếng ngon Hà Nội” (Vũ Bằng),
bản in đầu do Đất nước xuất bản 1957, “Phù dung ơi, vĩnh biệt” (Vũ Bằng), bản in
lần 2, có chữ ký của tác giả Vũ Bằng; “Chân trời cũ” (Hồ Dzếnh), Tiếng Phương
Đông xuất bản năm 1946; “Gió đầu mùa” (Thạch Lam), ấn bản đầu, Đời Nay xuất bản
năm 1937; “Mê hồn ca” (Đinh Hùng), bản in lần 2 có bổ sung của Khai Trí; “Thơ
Hàn Mặc Tử”, Đông Phương xuất bản năm 1942; “Lỡ bước sang ngang” (Nguyễn Bính),
Lê Cường xuất bản năm 1940, “Lỡ bước sang ngang” (Nguyễn Bính), Hương Sơn xuất
bản năm 1943; “Quê ngoại” (Hồ Dzếnh), Nguyên Hà xuất bản năm 1942, bản thường
và bản đặc biệt; “Điêu tàn” (Chế Lan Viên), Hoa Tiên xuất bản năm 1967; “Tiếng
thu” (Lưu Trọng Lư), Hoa Tiên xuất bản năm 1968.
Các bản sách kể
trên chủ yếu do các nhà sưu tầm Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ, Trịnh Hùng Cường, Yên
Ba, Nguyễn Thế Bách, Nguyễn Phát Hà Giang, Nguyễn Bình Phương và nhà nghiên cứu
Lại Nguyên Ân cung cấp.
A.M