Trưng bày giới thiệu đến công chúng 70 hiện vật với nhiều sưu tập đa dạng, nhằm tôn vinh sức sáng tạo, sự khéo léo của người Việt và đem đến những ý nghĩa sâu sắc về mặt văn hóa, xã hội và thẩm mỹ từ các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Bộ sưu tập trang phục gồm 24 hiện vật gốc là các loại hình hoàng bảo, phụng bào của vua và hoàng hậu, áo của hoàng thái tử, công chúa cùng hệ thống thẩm phục của bá quan văn võ.
Trong số đó, chiếc Hoàng bào được xác định là áo của vua Đồng Khánh (1886 – 1888) thuộc loại hình áo mặc trong các lễ Thường triều với dòng chữ Hán “Đồng Khánh ngự lãm”. Nhóm trang sức là các loại trâm cài bằng ngọc, trâm bạc, vòng tay và nhẫn vàng cẩn đá quý.
Đáng chú ý là nhóm trang sức gắn với xác ướp của bà Trần Thị Hiệu, một nhân vật thuộc hoàng gia triều Nguyễn.
Bên cạnh đó, Bộ sưu tập còn có các mũ miện, trong đó có hai chiếc đã được phát hiện qua khai quật khảo cổ học từ trước năm 1975, được xác định là của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong, em trai Tả quân Lê Văn Duyệt ở Phú Nhuận và “Thiên vương Thống chế” tại Biên Hòa. Năm 2014, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện phục nguyên hai chiếc mũ này và đây là lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng.
Ngoài ra, Trưng bày còn giới thiệu các vật dụng cung đình của nhà Nguyễn với các loại hình đồ đựng để bảo quản phẩm phục, đựng đồ trang sức như: rương hòm, hộp tráp bằng nhiều chất liệu khác nhau. Đặc biệt là chiếc trần phong bằng gỗ với kỹ thuật sơn thếp, kéo sợi vàng tạo hoa văn điển hình của hoàng gia thời Nguyễn.
Trưng bày chuyên đề sẽ diễn ra đến hết tháng 3/2017.