Trưng bày chuyên đề 'Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương' 

Ngày 18/9, tại đền Kiếp Bạc, thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cùng Hội Cổ vật xứ Đông phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương”.

Chú thích ảnh
Cắt băng khai mạc trưng bày. 

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Nguyễn Thành Trung cho biết, Hải Dương là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hiến. Đến nay, tỉnh vẫn bảo tồn và lưu giữ được nhiều di sản văn hóa, hơn 800 lễ hội truyền thống, hàng trăm nghề cổ truyền.

Đặc biệt, với 129 di tích, 23 địa điểm phát hiện và khai quật khảo cổ học liên quan đến thời Trần - Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nên bản sắc văn hóa Xứ Đông xưa và Hải Dương nay. Các giá trị di sản văn hóa này đã và đang được các thế hệ người Hải Dương trân trọng, gìn giữ, phát huy hiệu quả trong cuộc sống đương đại.

Việc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương" nhằm đa dạng hóa các hoạt động tại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 và đẩy mạnh quảng bá các giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trong quá trình Hải Dương phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới. Đặc biệt là tôn vinh những đóng góp của triều đại nhà Trần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trưng bày chia thành 2 chủ đề: Cổ vật tiêu biểu thời Trần và những phát hiện khảo cổ học thế kỷ XIII-XIV; Hải Dương trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận di sản thế giới. Với gần 200 đơn vị tài liệu, hình ảnh, hiện vật được nghiên cứu lựa chọn, sắp xếp khoa học, trưng bày đã giới thiệu khái quát di tích lịch sử văn hóa, địa điểm phát hiện và khai quật khảo cổ học, cổ vật tiêu biểu thời Trần, giúp nhân dân và du khách hiểu hơn về mảnh đất, con người Hải Dương, di sản văn hóa tiêu biểu đang còn hiện hữu, khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất Xứ Đông xưa, Hải Dương nay.

Trưng bày góp phần quảng bá, chứng minh tính xác thực của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (thành phố Chí Linh) và quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa thời Trần đề cử di sản thế giới. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Ngay trong lễ khai mạc, trưng bày đã thu hút đông người dân địa phương và du khách quan tâm, tìm hiểu.

Chú thích ảnh
Các đại biểu và nhân dân tham quan trưng bày. 

Ông Nguyễn Quang Phục, 85 tuổi, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh cho biết: Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những hiện vật quý tại sự kiện trưng bày, người dân rất tự hào vì sống trên mảnh đất có nhiều dấu tích lịch sử thời Trần. Người dân trân trọng và cảm ơn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà sưu tầm cổ vật tạo nên triển lãm hôm nay để phục vụ nhân dân khi về với khu di tích. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa giúp lan tỏa truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Trưng bày mở cửa đến hết ngày 22/9.

Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Trưng bày chuyên đề 'Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian'
Trưng bày chuyên đề 'Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian'

Ngày 28/8, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưng bày chuyên đề "Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian" đã khai mạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN