Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự hà khắc của hệ thống nhà tù thực dân, đế quốc – nơi giam giữ, tra tấn, đày ải các chiến sỹ yêu nước cách mạng Việt Nam, đây cũng là nơi tôi luyện ý chí đấu tranh cách mạng, quyết tâm giải phóng dân tộc của những người chiến sỹ cách mạng kiên trung. Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật này được chia làm ba phần, gồm: Địa ngục trần gian; Kiên trung bất khuất; Ngày chiến thắng trở về.
Triển lãm là sự tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của những chiến sỹ cách mạng đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trong đó, xúc động nhất là những hình ảnh như: Nhà tù Hỏa Lò (1896 – 1954); Nhà tù Sơn La (do thực dân Pháp xây dựng năm 1908); Trại 7 (Phú Bình) được người tù mệnh danh là “Chuồng cọp Mỹ”; Hầm số 8 được coi là “địa ngục trần gian” tại Nhà tù Chín Hầm (Huế); Giám thị Nhà tù Côn Đảo đóng đinh vào đầu ngón tay các chiến sỹ cách mạng; “Mẹ con ngày gặp mặt” thể hiện giây phút chiến sỹ tình báo Lê Văn Thức gặp mẹ khi từ Nhà tù Côn Đảo trở về…
Phát biểu tại Triển lãm, Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết: Nội dung trưng bày tại Triển lãm còn có nhiều hình ảnh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với các chiến sỹ bị địch bắt tù đày. Đây là hoạt động tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn, sự hy sinh anh dũng của chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống, xây dựng ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.