Ông Phạm Tấn Tài năm nay 74 tuổi nhưng vẫn rất rắn rỏi. Ông cho biết, ông tham gia kháng chiến chống Pháp vào năm 1952, khi mới 7 tuổi. Lúc đó, ông làm trong công binh xưởng thuộc Tỉnh đội Bạc Liêu chuyên chế tạo vũ khí, đạn dược phục vụ bộ đội chiến đấu.
Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc theo diện thiếu sinh quân và được nhà nước cho đi học văn hóa, rồi ông thi đậu Đại học Lâm nghiệp, chuyên ngành Lâm sinh. Đến năm 1970, ông được biên chế vào đơn vị bộ đội Trường Sơn tập luyện để chuẩn bị vượt Trường Sơn trở về miền Nam.
Năm 1973, ông về Nam công tác trong Khu ủy T3. Sau 1975, ông Tài công tác trong ngành lâm nghiệp, giữ các chức vụ Phó Giám đốc Lâm trường U Minh Thượng, rồi Giám đốc Lâm trường Hà Tiên cho đến khi nghỉ hưu.
Với những kiến thức đã học và kinh nghiệm trong nhiều năm công tác, sau khi nghỉ hưu, ông Tài đã dành thời gian tìm hiểu, trồng các loại cây có giá trị cao ngay tại địa phương như: phong lan, măng tây, nghệ trắng…
Đến đầu những năm 2000, ông Tài trực tiếp đi nhiều nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng nấm, đặc biệt là các trang trại nấm ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), trong đó có trại nấm của ông Trần Văn Yết (tên thường gọi Bảy Yết), vốn nổi tiếng là “tỉ phú nấm” lúc bấy giờ.
Ban đầu, ông Tài chỉ đầu tư khoảng 30 triệu đồng với tiêu chí lấy ngắn nuôi dài, như ông nói vui là làm theo kiểu “đánh du kích”. Từng bước, mô hình trồng nấm của ông phát triển dần, đến nay quy mô là 8 trại nấm, với khoảng 7.000 phôi/trại, vốn đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng, gồm cả nấm ăn (bào ngư, hoàng kim, nấm rơm…) và nấm dược liệu (linh chi Nhật Bản, linh chi ta). Riêng đối với nấm linh chi, ông Tài đầu tư máy sấy, máy cao áp, năng lực sản xuất ước tính khoảng 5 tấn/năm.
Sản phẩm nấm của ông Tài được giới thiệu và bán tại cửa hàng, siêu thị thuộc Kiên Giang và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, giai đoạn sau này khi số lượng sản phẩm ngày càng tăng với nhiều chủng loại, khâu đầu ra gặp nhiều khó khăn. Ông Tài cho biết đang gặp khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm ra thị trường, cần sự hỗ trợ của Trung tâm xúc tiến thương mại tại địa phương.
Nhờ các con, cháu, bạn bè giới thiệu, ông Tài đang xúc tiến với một công ty ở Hoa Kỳ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nấm linh chi. Giá nấm linh chi trên thị trường hiện dao động từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/kg, trừ chi phí ban đầu khoảng 40%, nếu hợp đồng được ký kết sẽ mang lại lợi nhuận cho ông Tài từ nấm linh chi có thể lên tới 5 tỷ đồng/năm.
Ngoài làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Phạm Tấn Tài còn được người dân trong vùng yêu quý vì lối sống giản dị và luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh. Theo ông Tài, làm nấm cần nhiều nhân công nên ông trồng loại cây này còn nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, có khoảng 30 - 50 nhân công thường xuyên làm việc trong trại nấm của ông.
Kinh tế gia đình phát triển, ông có điều kiện giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ vốn cho nhân dân, hội viên cựu chiến binh phát triển kinh tế. Trong các năm qua, ông còn nhiều lần ủng hộ với tổng số tiền 50 triệu đồng để làm cầu, đường giao thông nông thôn; tổ chức gói bánh tét, ủng hộ bánh kẹo, mì… cho những em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Kiên Giang nhân dịp Tết Nguyên đán; tham gia ủng hộ tiền xây dựng chùa Bửu Thọ (xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành)…
Ông Tài rất tự hào bởi các con của ông đều thành đạt. Trong ba người con của ông, có hai người là Tiến sĩ, du học ở Australia, hiện là giảng viên Trường Đại học An Giang.
Ông Lương Văn Đồng, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Hòa Phú, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành cho biết: Ông Tài là gương sáng cựu chiến binh phát triển kinh tế gia đình bằng nghề trồng nấm tại địa phương. Ông còn tích cực hỗ trợ hội viên về vốn, làm nhà... giúp họ ổn định cuộc sống.