Trao Giải Thiếu nhi Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em'

Lễ Công bố và trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 năm 2022 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức đã diễn ra tối 31/5 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Năm tác phẩm xuất sắc nhất được vinh danh tại Lễ trao giải Dế Mèn lần 3 - 2022 thêm một lần nữa khẳng định, đầu tư để vun đắp các giá trị văn hóa cho thiếu nhi là sự đầu tư "có lãi nhất" cho tiến bộ xã hội.

Vinh danh giá trị nghệ thuật dành cho thiếu nhi

Mùa giải thứ 3 của Giải Thiếu nhi Dế Mèn, không có Giải thưởng lớn “Hiệp sỹ Dế Mèn”. Ban Tổ chức đã trao 5 giải “Khát vọng Dế Mèn” cho các tác giả, tác phẩm xứng đáng nhất là Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye); Cơ bản là cơ bản (Phạm Huy Thông); Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển) do Kim Ngọc dịch; Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy); Bản thảo chùm truyện ngắn của An Băng (9 tuổi).

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang trao giải thưởng Khát vọng dế mèn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng ban tổ chức Giải cho biết, buổi lễ trao giải hôm nay là sự kiện tổng kết, tôn vinh những sáng tác xuất sắc dành cho thiếu nhi và chương trình đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em”, hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên (21/8/1982 - 21/8/2022).

Chương trình đấu giá góp phần huy động sức mạnh từ nghệ thuật, sức mạnh từ cộng đồng nhằm tạo ra giá trị để hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa còn đang gặp nhiều khó khăn. Lễ trao giải và chương trình đấu giá không phải là sự kiện đột xuất, nhất thời mà sẽ là hành trình lâu dài, bền vững.

Ông Lê Xuân Thành cũng nhấn mạnh, Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng; các thành viên gồm Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Văn Giá, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Linh… đã làm việc chuyên nghiệp, khách quan không kém một viện hàn lâm nghệ thuật độc lập để chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất dành cho thiếu nhi, vì thiếu nhi trong thời gian qua. Những tác giả đoạt giải là những gương mặt tiêu biểu trong hoạt động vì thiếu nhi.

Khác với mùa trao giải trước được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa vì lý do dịch COVID-19, lễ trao giải thiếu nhi Dế Mèn mùa 3 trang trọng, hoành tráng hơn gấp bội lần bởi sự kết hợp nhiều hoạt động trong 1, vừa mang tính lễ nghi, vừa mang tính nghệ thuật.

Khởi động từ đầu tháng 4, giải thưởng đã thu hút 89 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi (tính đến hạn chót nhận tác phẩm là ngày 5/5), với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản trong thời gian từ quý II năm 2021 đến tháng 5/2022. Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...

Chú thích ảnh
Chùm 4 truyện ngắn của Văn Băng là tác phẩm thứ 5  được trao giải thưởng Khát vọng dế mèn.

So với mùa giải lần 1 năm 2020 và lần 2 năm 2021, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại và điều đặc biệt là so với 2 mùa giải trước, biên độ cuộc thi năm nay đã mở rộng. Nếu như ở 2 mùa giải trước, chỉ có các tác giả trong nước, thì mùa giải lần 3 này đã thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.

Đáng chú ý hơn, giải Dế Mèn năm nay đã nhận được một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9 - 12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em viết truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua.

Qua giải Dế Mèn lần này, Ban tổ chức cũng đã phát hiện ra những dự án làm sách rất hay. “Dự án có người cầm trịch, nêu ý tưởng và các em - người thì viết lời, người thì vẽ tranh, người thì dịch sang tiếng Anh. Ngõ hầu từ nay trở đi, đời sống văn học cho thiếu nhi sẽ có nhiều hơn nữa những dự án sách như vậy để trẻ em được tham gia với tất cả niềm yêu thích, phát huy được sở trường của mình, rèn luyện được tinh thần hợp tác cùng tập thể trong sáng tạo” - PGS-TS Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo, cho biết - “Tôi nghĩ rằng đây là một phát hiện của Dế Mèn và tin tưởng rằng nó sẽ được lan tỏa”.

Chú thích ảnh
Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa Lê Xuân Thành trao số tiền từ chương trình đấu giá cho đại diện điểm trường Huổi Khương (thuộc Trường Mầm non Hoa Mai, xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La).
Theo ban tổ chức, mùa giải Dế Mèn thứ 4 năm 2023 sẽ được tổ chức vào đúng ngày này năm sau: Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2023. Ngay từ bây giờ đến 0 giờ ngày 1/6/2023, các tác giả có thể gửi tác phẩm dự thi đến tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa (số 11 Trần Hưng Đạo, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội), hoặc email: giaithuongdemen@thethaovanhoa.vn.

Nói về việc mùa giải lần 3 bội thu về văn học hơn so với những thể loại khác như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc... vị giám khảo này cho rằng, đây cũng là điều không khó lý giải, bởi năm vừa qua đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó những sản phẩm nghệ thuật tổng hợp như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu đòi hỏi sự tham gia của cả một tập thể, một ê-kíp cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Khác với các loại hình khác, công cụ của văn học là ngôn ngữ, có thể ngồi một chỗ cứ thế đào sâu vào nội tâm để tuôn ra chứ không như những loại hình nghệ thuật tổng hợp khác như điện ảnh, sân khấu... Vì thế, mùa giải lần 3 này, thể loại văn học chiếm ưu thế cũng là một thành công đối với Ban tổ chức!” - ông nhận định.

Những điều đáng quý của giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn

Sau 2 vòng sơ khảo, 11 tác phẩm đã được chọn vào vòng chung khảo, để từ đó Hội đồng giám khảo tiếp tục chọn ra Top 8 tác phẩm vào Vòng Chung kết - chấm điểm.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức trao giải Giải thưởng Khát vọng dế mèn.

Nhiều yếu tố của cuộc sống đã vọng vào trong các tác phẩm. Đó chính là những câu chuyện buồn, thậm chí là tang tóc về dịch bệnh COVID-19. Nó cho thấy các tác giả đã nghĩ rất sâu về đời sống, về chính những mất mát, đau thương, để rồi từ đó thấy trân trọng cuộc sống hơn.

Chú thích ảnh
Nhóm 8 tác giả Top 8 tác phẩm lọt vào Vòng Chung kết - chấm điểm.

Qua cặp “mắt xanh” của Dế Mèn, mùa giải năm nay cũng đã phát hiện ra những nhân tố mới, còn rất trẻ, hoặc không còn trẻ nữa nhưng vẫn đang ở độ sung sức. Đó đều là những cây viết vừa có tài, vừa có tấm lòng với thiếu nhi. Bởi viết cho trẻ em là vô cùng khó khăn. Và để vượt qua những khó khăn ấy, ngoài yếu tố “trời cho”, người viết cần phải có lòng yêu trẻ, phải có con người trẻ trung, con người tuổi thơ được nuôi dưỡng trong tâm hồn mình và có sự tha thiết đối với văn học thiếu nhi.

Những người dự thi Dế Mèn nói chung và qua mùa giải năm nay nói riêng đã giữ được tấm lòng ấy. Họ đã viết bằng chính con người và tuổi thơ của mình, chứ không mang tâm thế “người lớn viết cho trẻ con”. Và, ai đánh thức được con người trẻ thơ trong mình để viết thì đó là điều rất đáng quý, đáng trân trọng.

Chú thích ảnh
Chiếc xe Vespa được họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên để tham gia đấu giá  nghệ thuật 'Vì mái trường cho em'.

Bên cạnh những giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở trung ương và địa phương, theo PGS.TS Ngô Văn Giá, việc “Thể thao và Văn hóa tổ chức Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn là sự đầu tư có lãi nhất cho đời sống và sự tiến bộ của xã hội. Và một trong những công lao lớn nhất của Dế Mèn, theo suy nghĩ của tôi, đó chính là phát hiện ra những tác giả mới, khích lệ chính các tác giả ấy, những người quan tâm đến văn học thiếu nhi thủy chung, bền vững đi trên con đường văn học thiếu nhi, cho thiếu nhi và vì thiếu nhi”.

Tại Lễ trao giải thưởng, Ban tổ chức đã lựa chọn 7 vật phẩm đấu giá trực tiếp trên sân khấu để tiếp tục gây quỹ “Vì mái trường cho em”. Chương trình đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em” nhằm kết nối với các văn nghệ sĩ, các nhà tài trợ và ngành giáo dục ở các địa phương, để hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.

Top 8 tác phẩm lọt vào Vòng Chung kết - chấm điểm:

- Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye)

- Cá Linh đi học (bản thảo, Lê Quang Trạng)

- Cơ bản là cơ bản (Phạm Huy Thông)

- Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy)

- Trường học chẳng có gì vui? (Hải Nam)

- Bản thảo chùm truyện ngắn của An Băng (9 tuổi)

- Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển) do Kim Ngọc dịch

- COVID trong mắt trẻ thơ (7 tập, Thanh Tâm viết lời, các cháu thiếu nhi vẽ tranh).
Bài, ảnh: L. Sơn/Báo Tin tức
Đấu giá 7 vật phẩm để xây trường cho trẻ em vùng cao tại Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn
Đấu giá 7 vật phẩm để xây trường cho trẻ em vùng cao tại Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn

Màn đấu giá các vật phẩm nhằm tạo nguồn kinh phí xây, sửa trường học ở vùng cao sẽ là một điểm nhấn  đáng trân trọng của Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức vào tối 31/5 tới đây, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN