Tranh dân gian - gian nan bảo tồn

Làm thế nào để bảo tồn, nuôi dưỡng các dòng tranh dân gian, để gìn giữ những nét đẹp tinh hoa trong văn hóa dân tộc, là điều mà nhiều nhà nghiên cứu băn khoăn.

Mai một dòng tranh dân gian

Cả làng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) nay chỉ còn có hai gia đình còn giữ được nghề truyền thống, là dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nhưng việc giữ nghề vô cùng gian nan.

Tranh Đông Hồ - một trong những dòng tranh dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một.

Dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội) nổi tiếng Kinh kỳ xưa, nay chỉ còn một mình họa sĩ Lê Đình Nghiên, là con cháu của nghệ nhân Lê Đình Liệu, giữ nghề. Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề, hiện nay, nghệ nhân Lê Đình Nghiên chỉ có duy nhất một người nối nghiệp, là cậu con trai - họa sỹ trẻ Lê Hoàn.

Còn dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) cũng đang đối mặt với nguy cơ thất truyền, bởi hiện không còn một nghệ nhân nào theo nghề. Những bức tranh và bản khắc còn lại là báu vật của các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài.

Dòng tranh gói vải, một dòng tranh tạo hình nổi trên lụa (hay còn gọi là tranh vải gói) từng nổi danh một thời khắp vùng Nam Bộ, suốt những năm giải phóng, nhưng theo thời gian nghề không phát triển lên mà lại dần mai một dần đi. Đến năm 2016, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Hồ Văn Tai, ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp còn làm dòng này.


Tranh gói vải đang mất dần chỗ đứng trong đời sống dân gian Nam Bộ.

Ngay cả tranh thờ của đồng bào dân tộc miền núi cũng đang bị mai một. Theo ông Nguyễn Sinh Phúc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, người có nhiều năm nghiên cứu về dòng tranh thờ miền núi cho biết, hiện nay, các bộ tranh thờ cổ tại các địa phương, vì nhiều lý do đã được bán cho thương lái, nhà sưu tập tranh thờ, thay vào đó là những bộ tranh vẽ mới. Nhưng những bức tranh thờ mới khác xa nhiều với những bộ tranh cổ, không còn vẻ đẹp như trước. Thêm vào đó, những thầy Tào, thầy cúng, người vẽ tranh thờ giờ cũng còn rất ít, tuổi lại cao nhưng vẫn chưa tìm được người để truyền nghề. Chẳng bao lâu nữa, khi các thầy Tào, thầy cúng về với tổ tiên, những bí ẩn và kỹ thuật thủ pháp vẽ tranh thờ sẽ mãi mãi biến mất…

PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia thừa nhận, hiện nay, các dòng tranh và làng tranh dân gian truyền thống đã và đang chịu những tác động, những thách thức không nhỏ. Bên cạnh nguyên nhân thiếu vắng nghệ nhân theo nghề, còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sự mai một này. Đó là tập quán chơi tranh và sử dụng tranh hiện nay không còn phổ biến như trước, nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, để duy trì hoạt động của các làng nghề là không còn nữa.

Mặt khác, nghề làm giấy dó ở Yên Thế (làng Bưởi, Tây Hồ) cũng đang mất dần, nên nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu để làm tranh dân gian cũng bị ngưng trệ. Rồi sự thay đổi trong việc sử dụng các vật liệu làm giấy như trộn màu trắng vào điệp, quét lên giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh… hay sử dụng màu vẽ công nghiệp trong những năm gần đây cũng tạo nên những biến đổi về chất đối với các loại tranh dân gian truyền thống. Chính vì vậy việc bảo tồn các di sản văn hóa này đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ.

Khó khăn trong bảo tồn

PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia khẳng định, do tính chất lâu đời và phổ biến, tranh dân gian Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Với thứ ngôn ngữ đặc thù của mình, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hóa những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người, chủ yếu là nông dân và thị dân, ở mọi địa bàn miền xuôi cũng như miền núi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cũng cho rằng, giá trị điển hình của nghệ thuật trong tranh dân gian Việt Nam tồn tại nhiều tầng thức thẩm mỹ, chứa đựng những tinh hoa và vốn quý của dân tộc, đã được sàng lọc qua thời gian và tạo nên những giá trị riêng biệt, không lẫn với bất cứ với dòng tranh nào trên thế giới. Ngày nay, dù các dòng tranh dân gian không còn ở thời kỳ cực thịnh, nhưng những giá trị to lớn của mỗi dòng tranh vẫn còn đó, nó sẽ vẫn mãi là di sản của dân tộc Việt Nam.

Đứng trước thực trạng nguy cơ mai một của tranh dân gian, nhiều đơn vị, những người tâm huyết với tranh dân gian đã và đang tìm cách bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Việt Nam. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã tìm cách khôi phục lại làng tranh Đông Hồ bằng việc xây dựng "Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống", để giới thiệu với du khách về tranh Đông Hồ. Mới đây, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cũng đã chính thức khởi động dự án khôi phục dòng tranh Kim Hoàng theo những mẫu tranh cũ.

Nhưng dự án cũng đang gặp khó, ở chỗ, trong số 50 mẫu cũ của tranh Kim Hoàng còn tồn tại, phần lớn là tranh sinh hoạt của con người, các tích truyện, chỉ có 4 mẫu là gà và lợn, được in trên nền cam đỏ đặc trưng, nét vẽ thanh mảnh, mộc mạc. Những tranh mẫu in trong sách đa phần là màu cam, trong khi đó, tranh Kim Hoàng còn được gọi là tranh Đỏ, màu đỏ là màu của Tết và người dân hay mua vào dịp Tết để treo cho may mắn, bình an... Như vậy, làm thế nào để tìm được màu chuẩn của tranh cũng là cả một vấn đề.

Nhà sưu tập tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội lo lắng, hiện nay, những người khắc được bản mộc tranh dân gian và người bồi tranh dân gian ở nước ta không còn nhiều. Đây cũng là một khó khăn trong không việc khôi phục các ván in tranh dân gian cổ, nguyên mẫu. Đặc biệt, các bản mộc tranh hiện bị thất lạc nhiều, nên các mộc bản còn lưu giữ hiện nay vô cùng quý giá. Vì vậy, Nhà nước, các địa phương có làng nghề cần có những giải pháp lưu giữ, bảo tồn kịp thời.

Theo các nhà nghiên cứu, để duy trì, phát triển giá trị tranh dân gian, cần có một chương trình nghiên cứu nghiêm túc lâu dài, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, giới thiệu tranh dân gian tại các Bảo tàng để thế hệ trẻ biết đến, kết nối những di tích hiện có của địa phương với bảo tàng về tranh dân gian, khu trưng bày, trình diễn nghề làm tranh... Bên cạnh đó, cần đưa nghệ thuật đương đại gắn kết với nghệ thuật dân gian, giúp nghệ thuật dân gian đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.

"Tranh dân gian vẫn chỉ là một ngách rất nhỏ trong văn hóa Việt Nam. Do đó, nó vẫn chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức, và cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào dài hơi, quy mô có thể khái quát được. Nếu Nhà nước có những dự án, hỗ trợ để nghiên cứu về tranh dân gian Việt Nam, thì tôi nghĩ việc bảo tồn và phát triển nó sẽ tốt hơn rất là nhiều" - nhà sưu tập tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ.
Phương Hà
Thú chơi tranh dân gian trong xã hội hiện đại
Thú chơi tranh dân gian trong xã hội hiện đại

Chơi tranh là một trong những thú chơi lịch lãm và tao nhã của rất nhiều người không kể giàu nghèo... Với loại tranh này, không chỉ những người địa vị cao trong xã hội mà cả tầng lớp bình dân đều có thể tham gia “chơi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN