Chơi tranh là một trong những thú chơi lịch lãm và tao nhã của rất nhiều người không kể giàu nghèo. Trong đời sống của người Việt trước khi du nhập nền văn minh phương Tây thì tranh dân gian chiếm vị thế chủ đạo. Với loại tranh này, không chỉ những người địa vị cao trong xã hội mà cả tầng lớp bình dân đều có thể tham gia “chơi”.
Điển hình và rộng rãi trong xã hội là phong tục chơi/treo tranh Tết. Dịp Tết, mỗi gia đình Việt trước kia đều dán vài tờ tranh Tết cho không khí Tết ùa vào trong nhà từ sau ngày ông công ông táo. Bên cạnh thú chơi tranh Tết, câu đối Tết cũng là một thú chơi tao nhã của người Việt, đặc biệt là các nhà nho và những người thích chữ nghĩa. Khác với hoành phi, câu đối được làm cố định khi trang trí trong nhà, câu đối Tết chỉ sử dụng mỗi năm một lần. Câu đối Tết thường mang những ý nghĩa như “cung chúc tân xuân”, mừng đất nước, mừng gia tộc… đặc biệt là những nội dung cụ thể cho hy vọng trong năm mới của gia chủ. “Câu đối đỏ” mang đến sinh khí mới ấm áp, cũng có giá trị trang trí như một bức tranh trong những ngày đón xuân mới.
Tranh dân gian được “làm mới” với các chất liệu mới. |
Bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống vật chất thay đổi từng ngày, no ấm hơn, giàu có hơn. Mỗi người cũng được tiếp cận nhiều hơn với những thành tựu của khoa học và công nghệ, được giao lưu nhiều hơn với những luồng văn hóa bên ngoài lũy tre làng. Xã hội hiện đại cũng đã đưa đến những thay đổi lớn trong đời sống tinh thần, đặc biệt là các hình thức giải trí. Những thú vui cũ, những trò chơi dân gian xưa đã dần được thay thế bằng các sản phẩm văn hóa tân thời. Hát karaoke trở nên phổ biến, các game show trên truyền hình hay game online đã thay cho các trò chơi dân gian của con trẻ như thả diều, nhảy ngựa, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê… Và tranh dân gian xưa dường như cũng đã đi vào quên lãng. Thay vào đó là tranh hiện đại hoặc tranh khảm, tranh sứ, tranh kính, tranh đá… với những chất liệu đắt tiền hơn, cầu kỳ hơn.
Bên cạnh những yếu tố tích cực được mang lại từ những tiến bộ của khoa học công nghệ trong xã hội hiện đại, người dân cũng đang phải chịu nhiều sức ép từ mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình toàn cầu hóa. Những tác động đó cũng hiện diện trong thú chơi tranh. Khác với lối chơi tranh dân gian giản dị và bình dân xưa, người chơi tranh hiện nay không nhiều nhưng lại có nhiều loại. Kẻ sang chơi tranh “xịn”, kẻ bình dân chơi tranh chép, tranh nhái, tranh giả cổ của cả tây lẫn ta. Cái được là biết thêm nhiều loại tranh mới ngoài tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống, còn cái mất là mất khả năng tư duy nghệ thuật truyền thống. Có thể bắt gặp ở nhiều nhà trọc phú hiện đại những biệt thự kiểu tây, nội thất chạm khảm kiểu ta, treo tranh chép của tây bên cạnh hoành phi câu đối giát vàng của ta… Điều đó cho thấy sự giàu có không đồng nghĩa với mỹ cảm nghệ thuật và tri thức.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu các mộc bản cho khách. |
Theo GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, “Treo tranh dân gian trong ngày Tết đã từng là thú vui tao nhã, phong tục đẹp của người Việt Nam, trước đây hầu như không có nhà nào không treo tranh dân gian trong dịp Tết. Tuy nhiên, hiện nay để có thể mua được tranh Đông Hồ bày bán trên các con phố Hà Nội trở nên rất khó khăn, hoặc nếu có thì kỹ thuật và thẩm mỹ cũng rất kém do bị thương mại hóa”.
Nhưng dù có khá nhiều người bị choáng ngợp bởi các loại tranh ngoại nhập và hiện đại trong cái xô bồ, náo nhiệt của đời sống hiện nay nhưng vẫn còn những người giữ được thú chơi tranh dân gian. Đó chính là mảnh đất nhỏ còn sót lại để tranh dân gian bám rễ và tồn tại. Tuy nhiên, thú chơi tranh dân gian giờ đây lại có sự tinh tế và sự đầu tư kỹ lưỡng hơn của người chơi tranh. Vẫn là những bức tranh Tố nữ, Hứng dừa, Gà mẹ gà con, Tứ linh, Tứ quí… xưa, nhưng người chơi tranh ngày nay đã biến chúng thành những tác phẩm đắt giá bằng nhiều chất liệu cao cấp bền hơn, đẹp hơn, đắt tiền hơn chứ không phải chỉ in trên giấy bản, giấy dó như xưa.
Sự chuyển đổi chất liệu không làm mất đi vẻ đẹp của tranh dân gian truyền thống mà còn tạo cho chúng một hơi thở mới, một sức sống mới. Nhiều bức tranh dân gian được ghép bằng đá quí, thêu lụa hay in gốm… mang tâm hồn Việt Nam, cốt cách Việt Nam được khách hàng đặt mua với giá hàng nghìn đô-la. Đó chính là “đất sống” mới cho tranh dân gian. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã nổi tiếng khá lâu ở làng tranh Đông Hồ cho biết: Ngoài những bức tranh truyền thống vẫn được in và bán cho khách du lịch, ông còn chế tác và bán được một mặt hàng khác là những khuôn in tranh. Khách hàng mua các mộc bản về treo ở nhà như những bức tranh khắc. Những người tìm mua các mộc bản là những người cầu kỳ, tỷ mỷ và khá am hiểu về dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Ngày nay, trong sự phát triển ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của các loại hình nghệ thuật mới, tranh dân gian không còn chiếm vị trí độc tôn như xưa nhưng đâu đó vẫn dành được sự mến mộ của những người yêu nghệ thuật dân tộc. Ngày Tết, bên cạnh mâm cỗ Tết, ta vẫn còn thấy mâm ngũ quả và những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống được treo trong nhiều gia đình. Đặc biệt, tranh dân gian Việt Nam vẫn luôn được các học giả, các nhà sưu tập đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Hy vọng rằng, vẻ đẹp của tranh dân gian sẽ mãi được các thế hệ người Việt Nam lưu giữ cho hôm nay và cho cả mai sau.
Xuân Hồng