Gắn bó với tiếng đàn, tiếng hát và điệu múa xòe của dân tộc Thái, luôn trăn trở với việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình, ông là Nông Văn Nhay, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Bằng giọng nói trầm ấm, đầy nhiệt huyết và thân thiện, ông kể cho tôi nghe truyền thuyết về cây đàn cũng như trăn trở trong nghề làm tính tẩu ( “tính” là đàn, “tẩu” quả bầu) của ông suốt 60 năm nay.
Tính tẩu là một nhạc cụ họ dây, chi gẩy |
Cây đàn của chàng mồ côi
Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa, đoạn suối Nậm Lùm (Mường So) có hòn đá cuội to bằng 3 nhà sàn người Thái, trên lưng hòn đá có một vết sẹo to. Trong bản có một thanh niên không cha, không mẹ làm lều ngủ trên lưng đá, hàng ngày đi mò cua, bắt ốc nuôi thân. Rồi một ngày tình cờ, cơn gió đã đưa quả bầu khô trôi theo dòng nước về nằm trên hòn đá cuội nơi chàng thanh niên ở. Thấy kỳ lạ chàng đem về tra cán làm vật dụng múc nước hàng ngày. Trong một đêm thanh vắng, lũ côn trùng bay vo ve rồi đâm vào chiếc dây chài vắt dọc theo cái gáo múc nước hàng ngày phát ra âm thanh ấm áp và lôi cuốn. Chàng lấy ba dây chài kéo qua chiếc gáo rồi gẩy thì âm thanh ấy càng ấm và trong hơn. Từ đó cây đàn trở thành người bạn tâm tình của chàng trai cô đơn. Thầm thương nhớ một cô gái trong bản, hàng đêm chàng mang đàn đi đánh cho người yêu nghe nhưng cô gái không dậy khiến chàng rất buồn. Không bỏ cuộc, chàng mồ côi đến hỏi những người cao tuổi trong bản và được lời khuyên chỉ nên để lại hai dây đàn, chọn gỗ tốt làm thân đàn. Từ đó tiếng đàn trở lên trầm ấm và có hồn hơn, mang đến nhà cô gái gảy đã làm cô xao lòng, nghe xong liền xuống tâm sự với chàng thanh niên mồ côi rồi nên vợ nên chồng.
Cây đàn tính tẩu đã duy trì qua bao thế hệ người Thái, được dùng để đệm cho hát dân ca Thái, múa xòe và các lễ hội của người Thái. Cây đàn xuất hiện trong rất nhiều hoạt động văn hóa, đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về khi hoa ban nở trắng rừng. Hàng đêm, những chàng trai, cô gái Thái nhóm lửa kéo sợi, gẩy đàn để tìm hiểu rồi kết nên đôi lứa. Trong văn hóa cũng như các hoạt động mang tính cộng đồng của người Thái, cây đàn tính tẩu là một phần không thể thiếu, tiếng đàn gắn kết con người lại với nhau, từ đó tạo thành cộng đồng vững chắc để xây dựng bản làng. Vai trò của cây đàn trong đời sống người Thái quan trọng là vậy nhưng những năm gần đây đang dần bị mai một, số người đánh được đàn và hát được dân ca Thái ngày một ít đi.
Người gắn bó với dạy đàn
Từ năm 13 tuổi, ông Nông Văn Nhay đã biết đàn, hát và làm đàn tính tẩu. Qua bao năm công tác trong ngành văn hóa, cho đến khi về hưu ông vẫn luôn trăn trở với việc duy trì và phát triển văn hóa Thái cũng như lưu giữ được tiếng đàn tính tẩu. Theo ông, để đánh được đàn cũng phải có năng khiếu bẩm sinh, đặc biệt nếu sinh ra trên chính mảnh đất và uống nước từ khe suối Mường So sẽ tiếp thu nhanh hơn. Người học nhanh cũng mất từ dăm bảy năm, để làm được đàn phải mất thời gian lâu hơn, phải có kinh nghiệm, khả năng cảm thụ âm nhạc đạt đến trình độ nhất định. Những năm gần đây, do sự phát triển của kinh tế thị trường, nhiều loại hình văn hóa du nhập vào địa phương nên cây đàn tính tẩu cũng bị mai một dần. Thanh niên không còn học đàn, học hát then truyền thống nữa, số người già còn tâm huyết biết chơi đàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Từ thực tế ấy, năm 2007, ông Nhay xin UBND xã Mường So mở lớp dạy cho 20 học viên do ông tự bỏ tiền để đào tạo. Đến nay ông đã mở được 3 lớp với gần 90 học viên tham gia, ngoài dạy đàn còn dạy hát then, múa dân gian Thái với 32 điệu trong đó tiêu biểu như: múa nón, múa xòe, múa khăn…, tất cả đều do ông tự sưu tầm được. Tại 11 bản của xã Mường So hiện nay đều có đội văn nghệ của đồng bào Thái, duy trì các hình thức sinh hoạt văn nghệ, trong đó việc sử dụng nhạc cụ truyền thống tại lớp học do ông Nhay mở ra được bà con sử dụng khá thuần thục.
Dạy chơi đàn đã khó nhưng làm được đàn còn khó hơn. Ở Phong Thổ hiện nay, ông Nhay có lẽ là người duy nhất làm được đàn tính tẩu mà khi tiếng đàn cất lên nghe thanh nhẹ, trầm ấm mang âm hưởng của núi rừng Tây Bắc. Một người làm đàn giỏi ngoài đôi bàn tay khéo léo còn cần phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, nhiều năm kinh nghiệm chơi đàn, nếu không thì làm được đàn nhưng khi đánh lên tiếng đàn không có hồn. Ông Nhay đã tỉ mỷ hướng dẫn tôi từng công đoạn để làm một cây đàn tính Thái, tên gọi của từng bộ phận trên cây đàn. Để làm được cây đàn hoàn chỉnh, công đoạn đầu tiên là chọn được những quả bầu tròn nhất, cắt bầu đàn vừa phải, cạo sạch bên trong rồi phơi khô trong vài ngày. Bầu đàn (má tính tẩu), đáy bầu khoét 4 lỗ để giữ âm hưởng sao cho đều nhau. Mặt đàn (tép tính) khoét 2 lỗ nhỏ để thoát âm thường được làm bằng gỗ cây vông. Cần đàn (căn tính) làm bằng các loại gỗ dẻo được đẽo công phu, đánh giáp cho bóng. Khóa đàn (mlang tính) sử dụng sừng của những con trâu già để khóa đàn có màu đen bong, khi lên dây đàn cho âm hưởng chuẩn nhất.
Năm nay đã ngoài bảy mươi, sức khỏe đã giảm sút rất nhiều, ông vẫn luôn trăn trở bởi chưa có ai có thể làm được cây đàn tính với tiếng đàn mang nặng âm hưởng dân tộc Thái như ông đang làm. Với ông, cây đàn là người bạn tâm giao, là văn hóa Thái vẫn luôn cháy mãi trong tâm hồn. Mong muốn lớn nhất của ông hiện nay là nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, đầu tư để bảo tồn, phát triển văn hóa Thái trong đó có cây đàn tính tẩu; thế hệ thanh niên chú ý hơn nữa đến việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, tìm kiếm được người thực sự tâm huyết để ông có thể truyền lại nghề./.
Nguyễn Thanh Tùng